"Đứng ngồi không yên" vì nỗi lo mặt bằng sản xuất

Mấy tháng nay, ông Trịnh Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sao Mai (TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) vất vả ngược xuôi vì các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích nhà xưởng công ty đã đầu tư, xây dựng. Năm 2016, Công ty Sao Mai nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng của Trung tâm Dịch vụ thương nghiệp và Xây lắp Thái Nguyên. Việc chuyển nhượng được hai bên hoàn thành, Công ty Sao Mai được Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư từ dự án chuyển nhượng. Vướng mắc nảy sinh khi Công ty Sao Mai hoàn thiện thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Trung tâm Dịch vụ thương nghiệp và Xây lắp Thái Nguyên. "Để được cấp "sổ đỏ", chúng tôi phải ký được phụ lục hợp đồng thuê lại đất với Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên, đơn vị quản lý Khu công nghiệp Sông Công 1. Tuy nhiên, phía công ty này gây khó dễ, đến nay đã 8 tháng từ khi chính thức nhận chuyển nhượng dự án nhưng phụ lục hợp đồng chưa thể ký kết. DN chúng tôi rất lo lắng vì nguồn lực đầu tư vào nhà xưởng rất lớn nhưng chưa thể yên tâm, ổn định sản xuất", ông Trịnh Quốc Toản chia sẻ.

leftcenterrightdel
Trang trại rau thủy canh Đức Tín tại phường 8, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Chính sách tích tụ đất đai có thể thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: TTXVN.

Vướng mắc, khó khăn của Công ty Sao Mai được ông Trịnh Quốc Toản nêu ra tại hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho DN do UBND TP Sông Công tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua. Mặc dù Công ty Sao Mai là một trong những DNTN đóng góp lớn vào thu ngân sách của địa phương nhưng như chính lãnh đạo TP Sông Công nhìn nhận, đến nay họ mới nắm được những vấn đề DN đang gặp phải. Lãnh đạo TP Sông Công khẳng định, sẽ trực tiếp tìm hiểu và tạo điều kiện để DN sớm ổn định mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua, vấn đề này vẫn chưa có chuyển biến gì mới. DN đang phải gõ cửa nhiều cơ quan, ban, ngành từ tỉnh Thái Nguyên đến TP Sông Công. Trong khi Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên khẳng định, việc nhận chuyển nhượng dự án của Công ty Sao Mai là đúng quy định pháp luật và đề nghị Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên ký phụ lục hợp đồng thuê lại đất, thì vụ việc vẫn đang "giẫm chân tại chỗ" một cách khó hiểu. Ách tắc trong việc hoàn thành các thủ tục hành chính không chỉ tiêu tốn thời gian, công sức của DN mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như công việc, thu nhập của hàng trăm lao động tại đây.

Tìm kiếm mặt bằng sản xuất ổn định, lâu dài, phù hợp với đặc thù ngành nghề đối với nhiều DNTN là chặng đường còn nhiều gian nan. Khảo sát thực tế tại huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi được một số DN chia sẻ về những băn khoăn khi phải di dời cơ sở sản xuất sang vị trí mới. Công ty Cổ phần Thủy sản Cái Rồng là nơi sản xuất sản phẩm nước mắm nổi tiếng, được xem là đặc sản của Vân Đồn. Hoạt động gần 40 năm, đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường nhưng Công ty Cổ phần Thủy sản Cái Rồng hiện nay không thể mở rộng sản xuất hay đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị. "Theo kế hoạch của tỉnh, chúng tôi phải di dời vào khu sản xuất tập trung tại xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn) từ năm 2015. Nhưng đến nay, vị trí chúng tôi dự kiến sẽ chuyển đến vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa được đầu tư hạ tầng. Mặt bằng công ty đang sử dụng đến năm 2020 sẽ hết thời hạn thuê đất. Chỉ còn thời gian ngắn nữa nhưng chúng tôi chưa biết sẽ di dời về đâu", ông Đào Đức Yêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cái Rồng chia sẻ. Nhà xưởng của công ty sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, quy trình sản xuất chủ yếu theo phương thức thủ công. "Quy mô của công ty chúng tôi chỉ có gần 50 lao động, vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng, doanh thu mỗi năm chỉ khoảng 10 tỷ đồng. Để di dời cơ sở sản xuất chúng tôi cần thời gian chuẩn bị và sự hỗ trợ của Nhà nước", ông Đào Đức Yêm bày tỏ. Theo quy hoạch, huyện Vân Đồn sẽ thu hút các đơn vị chế biến thủy sản vào khu vực sản xuất chung, tuy nhiên khu vực này chưa thể hình thành, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu nguồn lực đầu tư. Thời điểm hiện tại, DN chỉ biết ngóng đợi, gửi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn như "bóng chim tăm cá".

Khuyến khích DN đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp

Nhận xét về những cơ chế chính sách để DNTN tiếp cận nguồn lực đất đai, ông Vũ Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc cho rằng, vẫn có sự phân biệt giữa DN nhà nước và DNTN về các chính sách liên quan đến đất đai. Là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng, ông Vũ Văn Trường cho biết, công ty của ông rất muốn tham gia dự án xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên, kể cả khi đã có quỹ đất, việc lập và được phê duyệt dự án cần trải qua rất nhiều thủ tục. “Nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, chỉ một vài công ty phát triển nhà của Nhà nước làm không xuể. Làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục hành chính thì mới thu hút được DNTN tham gia. Dù đã có nghị định, thông tư hướng dẫn về phát triển nhà ở xã hội nhưng để đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, cấp huyện đến xã, phường còn rất khó khăn”, ông Vũ Văn Trường chia sẻ. Cũng theo ông Vũ Văn Trường, Luật Đất đai sau nhiều lần sửa đổi vẫn còn có những quy định chưa nhất quán, có nhiều điều khoản chuyển tiếp, khiến DN gặp không ít vướng mắc. Đơn cử như dự án Công ty Thiên Lộc triển khai tại Thái Nguyên, đáng lẽ giao toàn bộ đất theo dự án đã được phê duyệt cho DN, sau đó DN tiến hành giải phóng mặt bằng, nhưng địa phương lại thực hiện theo cách giải phóng mặt bằng đến đâu giao đất đến đó. Do vậy, mỗi đợt giao đất chỉ được 1-2ha, gây nhiều rườm rà, phức tạp về quy trình, thủ tục, khiến DN mất thêm công sức.

leftcenterrightdel
Dây chuyền thu gom trứng gà hoàn toàn tự động của Tập đoàn Hùng Nhơn (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Ảnh: TTXVN. 
 

Đối với những trường hợp DN gặp khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng, ổn định sản xuất kinh doanh tại tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi đã đặt vấn đề với các cơ quan chức năng của tỉnh về chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ông Lương Gia Hùng, Chánh văn phòng Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều DN đặt cơ sở sản xuất trong khu dân cư. Chủ trương của tỉnh mong muốn đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp, thu hút các DN vào đây, vừa giải phóng quỹ đất trong khu dân cư, tránh ảnh hưởng môi trường, sinh hoạt của người dân vừa giúp DN có mặt bằng sản xuất ổn định. Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Quảng Ninh có 13 cụm công nghiệp với diện tích hơn 355ha, đến nay đã thành lập được 6 cụm công nghiệp, diện tích hơn 275ha, đạt tỷ lệ 77,51%. Tuy nhiên, quá trình triển khai các cụm công nghiệp cho thấy có khá nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc khó thu hút DN đầu tư kinh doanh hạ tầng vì thủ tục phải qua nhiều khâu, chậm trễ giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lại lâu... Một trong những giải pháp được kỳ vọng là “cú hích” để đẩy nhanh tiến độ thành lập các cụm công nghiệp là nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh về các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, tỉnh hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách địa phương cho DN, tổ chức nếu đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp với các hạng mục như hỗ trợ rà phá bom, mìn; lập quy hoạch phân khu; đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung (giao thông nội bộ, cấp thoát nước, cấp điện); hệ thống xử lý nước thải tập trung... với mức bằng 100% chi phí thực tế. Nhà đầu tư thứ cấp khi thuê lại đất trong cụm công nghiệp cũng được hỗ trợ về giá thuê đất, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, xây dựng nhà xưởng...

Đánh giá việc liên kêt theo chuỗi, cụm công nghiệp sẽ giúp DN đặc biệt là DNNVV thêm cơ hội để phát triển, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, không nên hiểu một cách máy móc về việc thành lập khu, cụm công nghiệp là dựng lên hàng rào rồi gom DN vào đó để lấp đầy chỗ trống. “Khu, cụm công nghiệp phải hình thành được chuỗi liên kết cung ứng để giảm chi phí vận chuyển, chi phí đào tạo, tiếp thị. DNNVV ở trong cụm công nghiệp để phục vụ cho DN lớn. Mô hình khu, cụm công nghiệp trên thế giới sẽ có một vài DN “đầu tàu”, thu hút các DN khác tham gia chuỗi sản xuất với tính liên kết rất cao”, bà Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ. Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có hiệu lực từ năm 2018 cũng có quy định khuyến khích nhà đầu tư hạ tầng dành riêng khu đất cho DNNVV. Theo ý kiến một số chuyên gia, đầu tư hạ tầng cho DNNVV sẽ tốn kém hơn so với cho DN quy mô lớn vì phải "chia lô" trong khi các hạng mục cần thiết như giao thông, cấp điện, nước vẫn phải bảo đảm. Do vậy, để đơn vị phát triển hạ tầng quan tâm đến DNNVV rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng những cơ chế, chính sách thiết thực, có như vậy mới tạo điều kiện cho DN được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đất đai. (còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ