Vì sao khó tiếp cận vốn?
Trong thời gian qua, DNNVV là 1 trong 5 đối tượng ưu tiên được NHNN chỉ đạo cần đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vốn, hạ lãi suất trần cho vay với đối tượng này. Để đáp ứng được nhu cầu về vốn của DNNVV, NHNN đã chỉ đạo NHNN các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng chủ động khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp; phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng; yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp cận khách hàng thông qua các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Đến hết quý II-2017, dư nợ tín dụng với DNNVV đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 22% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 6,5% so với cuối năm 2016 với gần 200.000 khách hàng đang còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tăng gần 10.500 doanh nghiệp.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tại Hà Nội. MB đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Ảnh: TTXVN.
Qua số liệu thống kê trên của NHNN, có thể dễ dàng nhận thấy, mặc dù đã có rất nhiều chính sách, hành động cụ thể nhưng mới chỉ khoảng 30% DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng và vẫn còn đến 70% doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tiếp cận với nguồn vốn quan trọng này. Thực tế này tồn tại từ nhiều năm nay, mặc dù đã có nhiều giải pháp để tăng dư nợ tín dụng ở khu vực này nhưng không có nhiều tiến triển. Theo một số phân tích, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng là do: Thứ nhất, doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận vốn vì không có tài sản thế chấp, tài sản thế chấp không đủ tin cậy. Thứ hai, doanh nghiệp hoạt động nhỏ, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn nên tự hài lòng với nguồn vốn của doanh nghiệp đang có. Thứ ba, mặc dù đã hạ lãi suất cho vay nhưng vẫn còn cao so với khả năng chi trả, vì vậy doanh nghiệp ngại tiếp cận.
Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các DNTN, đặc biệt là DNNVV vẫn là trở ngại lớn và chủ yếu doanh nghiệp vẫn phải tự dựa vào nguồn lực của mình. Ví dụ điển hình như tại Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Cái Rồng, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ông Đào Đức Yêm, Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ: "Do doanh nghiệp có xuất phát điểm thấp, chủ yếu làm để tự nuôi nhau nên ít tích lũy, vì vậy mà tài sản thế chấp không có nhiều. Mặc dù nếu tính tổng tài sản của doanh nghiệp hiện có khoảng hơn 10 tỷ đồng, nhưng đây đều là nguyên liệu, tư liệu sản xuất, rất khó chứng minh với ngân hàng về giá trị tài sản để thế chấp. Hiện doanh nghiệp phải tinh giản nhân lực làm việc hành chính, văn phòng; hạn chế mua sắm để tiết kiệm chi phí, tập trung tối đa mọi nguồn lực, dành dụm để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng là do yếu về năng lực quản trị. Báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, không công khai minh bạch để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng cho vay. Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, ngân hàng không thiếu vốn mà chỉ thiếu niềm tin với doanh nghiệp. Qua nghiên cứu của hiệp hội, doanh nghiệp có hạn chế là không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh cả trong quá khứ, hiện tại cũng như cơ hội trong tương lai một cách rõ ràng. Phương án kinh doanh chưa có sức thuyết phục để ngân hàng tin tưởng. Lối ra cho các doanh nghiệp là vay tín chấp thì các ngân hàng quá cẩn trọng, mặc dù khung pháp lý cho vay tín chấp, tài sản được hình thành từ vốn vay đã có đủ nhưng ngân hàng vẫn không dám mạo hiểm, không dám đột phá do các quy định của pháp luật.
Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu Minh Cường, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau được Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Cà Mau cho vay vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi. Ảnh: TTXVN.
Khơi thông dòng vốn tín dụng
Nguồn tài chính của phần lớn các DNTN phụ thuộc vào vốn vay. Việc có nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn sẽ gây ra nhiều hệ lụy với khu vực kinh tế này cũng như toàn nền kinh tế. Có thể khẳng định, vốn tác động đến kết quả tăng trưởng của doanh nghiệp nên khi doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh, nhưng không tiếp cận được vốn thì cơ hội tăng trưởng bị hạn chế đi rất nhiều. Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN khẳng định: "Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quy mô khác nhau đều bình đẳng trước các quan hệ tín dụng với ngân hàng. NHNN rất coi trọng và chỉ đạo quyết liệt các chính sách tín dụng với DNNVV". Thế nhưng trên thực tế, các ngân hàng thương mại vẫn thích cho doanh nghiệp lớn vay vốn hơn. Trình tự, thủ tục cho vay vẫn vậy, con người quản lý vẫn thế, nhưng cho một doanh nghiệp vay 1.000 tỷ đồng vẫn dễ dàng hơn cho 1.000 doanh nghiệp nhỏ được vay mỗi doanh nghiệp 1 tỷ đồng, bởi phải tăng chi phí giao dịch, mất thời gian quản lý.
Cái khó của các DNNVV chính là tài sản thế chấp để vay vốn tín dụng. Hiện đã có Quỹ bảo lãnh tín dụng, để bảo lãnh cho DNNVV không đủ tài sản thế chấp, tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động không hiệu quả, chủ yếu do các ngân hàng không thiết tha. Về lý thuyết, các ngân hàng phải xông xáo, chủ động tham gia quỹ này, bởi nhờ có quỹ bảo lãnh mà ngân hàng cho vay được vốn. Tuy nhiên, giữa quỹ và ngân hàng lại đang có nhiều cơ chế quá ngặt nghèo, khiến cho sự liên kết thiếu bền chặt, dẫn đến việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp không hiệu quả. Trong khi đó, Quỹ hỗ trợ DNNVV với số vốn theo quy định là khoảng 2.000 tỷ đồng, nhưng vốn cấp thực tế mới dừng lại ở con số khiêm tốn và quá trình giải ngân rất chậm. Mặc dù lãi suất được giảm cho doanh nghiệp nhưng thủ tục còn quá nhiều thứ rườm rà, khiến doanh nghiệp ngại tiếp cận.
Có một nghịch lý đang diễn ra lâu nay đó là, nợ xấu của các DNTN đang thấp hơn nhiều so với các khu vực doanh nghiệp khác. Theo ý kiến của các chuyên gia, cần phải thay đổi tư duy một cách triệt để, xem xét 70% doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng không phải là những đối tượng có nhiều rủi ro mà cần có sự chọn lọc để đạt khoảng 10-15% là đối tượng tiềm năng để tăng trưởng tín dụng. Muốn vậy, các ngân hàng phải thiết kế lại điều kiện cho vay; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về báo cáo tài chính, phương án kinh doanh. Mặt khác, đối với các doanh nghiệp cũng nên liên kết với nhau. TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng: 600.000 DNTN, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ thì cũng giống “bịch khoai tây” khi bị đổ ra ngoài, không có liên kết nên không đáp ứng đủ yêu cầu cho vay. Thậm chí, không đủ tầm để có những dự án đầu tư dài hạn và như thế, các doanh nghiệp này lại tự làm yếu mình đi trước các điều kiện cho vay ngặt nghèo, bởi các ngân hàng cũng là những doanh nghiệp, không phải tổ chức làm từ thiện. Vì vậy, cần phải liên kết các doanh nghiệp nhỏ với nhau để hợp lực trong tiếp cận các nguồn vốn.
Đối với doanh nghiệp, lãi suất vay rất quan trọng bởi chi phí cho tài chính giảm thì chi phí cho cạnh tranh tốt hơn. Tuy nhiên, ông Trần Văn Tần cho rằng, các DNNVV cần nhất là mở lối ra để doanh nghiệp vay tín chấp và cho doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn trung và dài hạn. Việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay là tốt, nhưng phải nâng tỷ lệ cho vay vốn trung hạn, dài hạn nhiều hơn. Bởi nếu không thì doanh nghiệp vừa vay xong đã phải lo đi trả nợ.
Thực tế tại Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Cái Rồng cho thấy, đây là một trong số ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được vay vốn tín dụng theo hình thức tín chấp. Sau 17 năm cổ phần hóa từ một xí nghiệp của Nhà nước, doanh nghiệp này đã xây dựng được thương hiệu, có uy tín trong việc chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, có tiềm năng phát triển và được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho vay tín chấp với mức 2,5 tỷ đồng/năm; lãi suất 7,2%/năm. Nhưng mức vay này cũng chỉ đáp ứng phần nào chi phí để doanh nghiệp mua nguyên liệu sản xuất, bởi đến tháng 9-2017, doanh nghiệp đã chi hơn 6,5 tỷ đồng để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất trong năm và dự trữ cho năm tiếp theo. Dẫu vậy, với những doanh nghiệp như Cái Rồng, việc được vay vốn với mức lãi suất thấp, dù không nhiều nhưng có vẫn hơn không.
Để khơi thông dòng vốn tín dụng cho DNTN, nhiều ý kiến cho rằng, cần khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Việc này đòi hỏi cao về tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp. Để khơi thông việc này, ngân hàng phải chủ động hơn trong việc tiếp cận với các DNTN. Trong trường hợp này, ngân hàng không chỉ là tổ chức cho vay mà còn đóng vai trò là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp, hy sinh lợi ích trước mắt, vì lợi ích lâu dài. Ví dụ, doanh nghiệp lúng túng về quản trị rủi ro cho doanh nghiệp thì ngân hàng nên hỗ trợ doanh nghiệp các phương án đầu tư thiết bị nhà xưởng tốt hơn; hỗ trợ nhận định sản phẩm hàng hóa. Nếu doanh nghiệp không minh bạch về tài chính, thì ngân hàng nên hướng dẫn cho doanh nghiệp và ngân hàng cần có chuẩn tín dụng của mình, chứ không phải cứ lấy chuẩn tín nhiệm thế giới để áp dụng vào Việt Nam; chọn cách cho vay tín chấp là lối ra cho điểm nghẽn tín dụng.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước có hạn nên doanh nghiệp không thể cứ trông chờ vào vốn của Nhà nước để tăng trưởng. Chính vì vậy, khu vực DNTN ngoài việc chủ động tìm nguồn vốn thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần phải thể hiện được vai trò đầu tàu dẫn dắt, là những “Mạnh Thường Quân” để kéo các doanh nghiệp cùng tăng trưởng.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ (còn nữa)