Thay đổi tư duy trong hỗ trợ DN
Chia sẻ về bàn tay “bà đỡ” của Nhà nước đối với phát triển DN, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần thay đổi tư duy trong cách hỗ trợ của Nhà nước, không nên phân biệt là hỗ trợ cho DNTN hay DN Nhà nước. Vấn đề ở đây chính là sự hỗ trợ đó từ Nhà nước mang lại lợi ích gì cho đất nước. Cần phải nhìn nhận DNTN như những tổ chức của đất nước, bởi khi nói về Sony người ta nghĩ đến Nhật Bản, hay nói đến Samsung người ta nghĩ ngay đến Hàn Quốc chứ không ai nghĩ đó là DNTN hay DN Nhà nước. Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đặt ra mục tiêu phấn đấu có một số thương hiệu quốc gia. Nhưng những thương hiệu này phải mang tính toàn cầu hóa, vươn ra thế giới. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ để hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân, bản chất là để làm “đầu tàu” dẫn dắt cho các DN nhỏ và vừa vươn xa và kết nối các DN với nhau. Bà Phạm Thị Thu Hằng đánh giá, câu chuyện phân biệt đối xử giữa các khu vực DN không còn là vấn đề lớn, nhưng thể chế kinh tế và các cơ chế chính sách phải tạo điều kiện thông thoáng để DN đi theo đúng định hướng chủ đạo mà Nhà nước đặt ra.
Khu liên hợp nghỉ dưỡng-giải trí Vinpearl Phú Quốc thuộc Tập đoàn Vingroup có tổng diện tích hơn 300ha; quần thể nghỉ dưỡng-giải trí 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên và quy mô lớn nhất trên đảo Phú Quốc. Ảnh: TTXVN
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT cho rằng, mục tiêu của cải cách hành chính đối với DN là để tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu, thực hiện các cam kết hội nhập. Tuy nhiên thực tế, kết quả của cải cách vẫn còn khiêm tốn. Ông Trương Gia Bình đề nghị cần thiết lập một cơ chế hợp tác công-tư chặt chẽ, không hình thức, xuyên suốt quá trình thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ cải cách chính sách, pháp luật để phát triển DNTN và nền kinh tế. Vai trò của khối kinh tế tư nhân có thể được phát huy thông qua việc cung cấp thông tin thực tế đến cơ quan quản lý Nhà nước, giám sát độc lập việc ban hành, thực thi chính sách, pháp luật, cung cấp sáng kiến cải cách hoặc các hỗ trợ kỹ thuật để thực thi các nhiệm vụ mà Chính phủ chỉ đạo.
Nhiều DNTN lớn cho biết, họ sẵn sàng bỏ nguồn lực để phục vụ hoạt động chung của cộng đồng DN cũng như vì lợi ích đất nước. Đơn cử như trong lĩnh vực du lịch, thực trạng hiện nay là Việt Nam mỗi năm chỉ có 2 triệu USD chi cho quảng bá du lịch, quá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia mỗi năm chi 200 triệu USD, Malaysia hơn 100 triệu USD hay Thái Lan là 70 triệu USD. Trước thực trạng đó, một nhóm DNTN cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ đóng góp 70 tỷ đồng vào Quỹ quảng bá xúc tiến du lịch. Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, không chỉ ngân sách quốc gia dành cho quảng bá du lịch thấp mà Việt Nam cũng chưa có cơ quan quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia, chưa mở được văn phòng xúc tiến tại một số thị trường trọng điểm. Vấn đề DN cần không phải hỗ trợ kinh phí mà là cơ chế, chính sách để giải ngân quỹ quảng bá xúc tiến du lịch thật hiệu quả. Các DN lớn hoạt động trong ngành du lịch đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Hội đồng xúc tiến du lịch quốc gia có nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt có đại diện từ khối DNTN. Bên cạnh đó, cần sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có điểm đến trong việc quảng bá du lịch Việt Nam ra các thị trường trọng điểm thông qua việc điều phối bởi Hội đồng xúc tiến du lịch quốc gia.
Cần những chính sách đột phá cho DN lớn
Nhiều DNTN lớn băn khoăn khi họ đang phải gánh chi phí quá lớn, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và sức cạnh tranh của DN. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP An Bình chia sẻ, chi phí an sinh trên tổng chi phí DN chiếm 34,5%, thuộc tốp cao nhất thế giới; chi phí logistic chiếm khoảng 23% GDP, trong khi mức trung bình của thế giới chỉ 10%; chi phí vốn gấp 2-3 lần mức trung bình của ASEAN, còn chi phí không chính thức chiếm hơn 10%. Ông Vũ Văn Tiền đề xuất, cần đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam vì đây là hạ tầng đặc biệt quan trọng với các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như du lịch, nông nghiệp và có giá trị lớn trong nhiều lĩnh vực khác.
Nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, đất đai hiện là rào cản lớn nhất cho các DN khi muốn đầu tư lớn vào nông nghiệp. Lý do là vì đất chia theo hộ, quy mô nhỏ lẻ; không có cơ chế tiếp cận linh hoạt mà phải tiếp cận từng hộ dân nếu muốn có diện tích lớn. Mặc dù đã có nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng cách làm còn lúng túng nên chưa có đột phá. Chính vì thế, đến nay, DN đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 1% về số lượng DN và khoảng 3% tổng vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất, kinh doanh. Đây là con số khiêm tốn, chứ chưa nói quá nhỏ bé khi nông nghiệp có nhiều tiềm năng và thị trường nông thôn rộng lớn.
Theo ông Trần Mạnh Báo, vấn đề nêu trên hạn chế DN phát huy trong lĩnh vực nông nghiệp; còn các hộ kinh tế thì vừa thiếu năng lực đột phá, dẫn dắt dù đã có nhiều điều chỉnh về chính sách, từ đó, bài toán phát triển nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn gặp khó khăn. Lãnh đạo DN đề nghị cần xóa bỏ hạn điền, tạo cơ chế tập trung, tích tụ đất linh hoạt tùy bài toán kinh doanh của DN. Đồng thời, gỡ bỏ các rào cản để chính sách thuế bình đẳng giữa các chủ thể trong nông nghiệp, bỏ thuế xuất khẩu hàng nông sản, thuế nhập khẩu công nghệ ứng dụng cho nông nghiệp. Nhà nước cần có cơ chế cung cấp dịch vụ hỗ trợ về kê khai thuế, kế toán, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ về thông tin thị trường... Đồng thời, cần có cam kết bảo đảm sự ổn định chính sách khi thu hút đầu tư, xây dựng chính sách phù hợp đối tượng thu hút. Do vậy, cần thay đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp, lấy DN làm trọng tâm cho phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới. Muốn vậy, điều kiện đầu tiên diện tích đất đai cho sản xuất canh tác phải là quy mô lớn, biến đổi linh hoạt theo bài toán kinh doanh của từng DN. Đổi mới cách làm về thị trường tiêu thụ và có chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp để hướng đến phát triển quy mô lớn và bền vững...
Nhóm công tác về nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cũng kiến nghị xóa bỏ hạn điền để tạo cơ chế tập trung, tích tụ đất đai. Tất nhiên, cần có các quy định để hạn chế việc lạm dụng đất nông nghiệp cho các mục đích khác. Theo đề xuất nêu trên, sau khi có cơ chế xóa bỏ hạn điền thì Chính phủ sẽ trực tiếp quản lý các vùng đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cho DN thuê, căn cứ vào tính khả thi từng dự án, còn DN sẽ xây dựng thị trường để bảo đảm dự án hiệu quả, kể cả việc lo vốn.
Để có những “đầu tàu” kinh tế tư nhân, theo bà Nguyễn Thị Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoa Lan (Hưng Yên) thì Nhà nước nên tạo điều kiện để DNTN tham gia vào quá trình cơ cấu lại DN Nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị cho khu vực kinh tế tư nhân.
Trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi cần phải gấp rút xây dựng và phát triển nền kinh tế số. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, để phát triển nền kinh tế số, trước hết Chính phủ nên sửa lại Nghị quyết số 36a để bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tiếp cận dự án chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, nên bỏ phí viễn thông công ích đối với dịch vụ internet, vì đây là dịch vụ rất cần trong nền kinh tế số và đang cần hỗ trợ, việc thu phí sẽ làm ảnh hưởng đến việc mở rộng mạng lưới. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), Chính phủ cần sớm thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về ứng dụng CNTT bằng vốn ngân sách để bảo đảm tính phù hợp với đặc thù của ngành này. Bên cạnh đó, việc hoàn chỉnh khung pháp lý về giao dịch điện tử cũng là một điểm đáng lưu ý, nên khuyến khích không dùng tiền mặt để tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển. Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực trong ngành CNTT, Chính phủ cũng cần thúc đẩy sớm các chương trình đào tạo nguồn nhân lực để đạt mục tiêu có 100.000 kỹ sư CNTT vào năm 2020. Chủ tịch CMC cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, rà soát các văn bản luật và nghị định; dỡ bỏ mọi rào cản với DNTN; tránh bất bình đẳng và tạo ra các giấy phép con mới, tạo cơ chế xin-cho, gây nhiều bất cập và tăng chi phí cho DN.
Chia sẻ từ kinh nghiệm về phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cần xây dựng “sân chơi” riêng cho các “ông lớn” bởi DN nhỏ và DN lớn gặp phải các vấn đề đặc thù khác nhau. Thực tế, hầu hết các dự án mà các tập đoàn kinh tế tư nhân triển khai thời gian qua đều phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế riêng cho từng dự án. “Mỗi DNTN hoạt động một lĩnh vực nên rất khó để xây dựng luật riêng cho các DN này. Tuy nhiên, nhiều vấn đề DN cần Nhà nước hỗ trợ, như: Bảo hộ pháp lý, đẩy nhanh thời gian phê duyệt dự án, chính sách đất đai... Có thể tập hợp những vấn đề này để quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ ban hành nghị định để tạo sự thống nhất khi thực hiện”, TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích để đầu tư theo hình thức liên kết chuỗi giữa DN lớn với nhau và với DN nhỏ. Có như vậy mới xây dựng được DN đủ tầm cỡ, trở thành “đầu tàu” đưa DN khác cùng phát triển.
(còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ