Không thể thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng một cách hình thức
“Chúng ta có dịch vụ công thứ 2.700, nhưng cũng phải nói rằng tỷ lệ hồ sơ điện tử và tỷ lệ hồ sơ đăng ký trên CDVC quốc gia so với tỷ lệ hồ sơ đăng nhập đồng bộ trên hệ thống còn thấp. Thấp bởi lẽ chúng ta không số hóa hồ sơ, không kết nối, vẫn cát cứ và chia sẻ ở mức độ thấp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng thẳng thắn nói.
Có những bộ, ngành không muốn chia sẻ thông tin hoặc chia sẻ thông tin ở mức độ thấp với ngay cả các cơ quan nhà nước khác, không muốn tích hợp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến-nhất là những dịch vụ có nhu cầu sử dụng cao-trên CDVC quốc gia. Tình trạng cát cứ thông tin, chia sẻ thông tin ở mức độ thấp là những “tảng đá” gây trở ngại rất lớn cho tiến trình tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên CDVC quốc gia. Vấn đề này về cơ bản là do các bộ, ngành, địa phương muốn giữ lợi ích cho mình. Nếu không phá được các “tảng đá” này, thì các chỉ đạo của Chính phủ rất khó được hoàn thành.
“Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phải đưa 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên CDVC quốc gia trong năm 2021. Nhưng số lượng dịch vụ công đưa lên CDVC quốc gia nhiều cũng không quan trọng bằng tỷ lệ hồ sơ. Bởi có rất nhiều dịch vụ công người dân, doanh nghiệp cần thì lại không đưa lên CDVC quốc gia, mà đưa những dịch vụ công có khi hàng tháng mới phát sinh một bộ hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ thấp thì không thể đánh giá hiệu quả của các bộ. Quan điểm của Thủ tướng là chúng ta làm thực chất, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu của Chính phủ là như thế, nên chúng ta không thể làm chỉ mang tính hình thức”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói.
 |
Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành kết nối với 100% đối tượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tích hợp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: TTXVN |
Để đả thông “tảng đá” này, có lẽ điều quan trọng nhất là phải đả thông được tư tưởng “cuốc giật vào lòng”, khư khư ôm lợi ích nhóm mà coi nhẹ lợi ích của nhân dân, lợi ích của doanh nghiệp-cũng chính là lợi ích chung của đất nước. Do thế, bên cạnh việc nêu tên những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên CDVC quốc gia cũng cần nêu rõ những bộ, ngành, địa phương chưa làm tốt việc này để phê bình, nhắc nhở và đốc thúc.
Cùng với đó, cần công khai số liệu thống kê danh sách dịch vụ công, danh sách dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến ở từng mức độ và danh sách dịch vụ công trực tuyến được đưa lên CDVC quốc gia của mỗi bộ, ngành, địa phương; nhu cầu sử dụng từng dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp (thể hiện qua số hồ sơ của người dân, doanh nghiệp thực tế gửi tới các cơ quan yêu cầu giải quyết mỗi năm). Từ việc công khai như vậy sẽ nhìn thấy rõ danh mục dịch vụ công trực tuyến dù người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lớn nhưng lại chậm được triển khai trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trên cơ sở đó yêu cầu các cơ quan giải trình rõ vì sao chưa thể triển khai trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với các dịch vụ ấy, phương hướng và lộ trình giải quyết ra sao...
“Virus” trì trệ
Trong nỗ lực triển khai nghị quyết của Chính phủ về tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sự chủ động, tích cực của người đứng đầu và từng cán bộ, công chức trong hệ thống là rất quan trọng. Bởi suy cho cùng, hệ thống muốn vận hành trơn tru thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Sự trì trệ của một cá nhân, một mắt xích sẽ làm ảnh hưởng tới cả dây chuyền giải quyết công việc. Bởi vậy, trì trệ như một thứ virus nguy hiểm tấn công và làm suy yếu tinh thần phục vụ của cả hệ thống.
Đánh giá sau một năm vận hành CDVC quốc gia, VPCP cho rằng, việc cập nhật, chuẩn hóa, công khai dữ liệu thủ tục hành chính (TTHC) trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC của một số bộ, ngành còn chậm hoặc thiếu chính xác nhưng chưa kịp thời sửa đổi, hoàn thiện làm ảnh hưởng đến chất lượng công bố, công khai và thực hiện TTHC của các địa phương. Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ CDVC quốc gia ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm, chưa đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, một số phản ánh, kiến nghị của bộ, ngành, địa phương còn tiếp nhận, xử lý chậm hoặc để người dân phải phản ánh, kiến nghị nhiều lần. Việc phối hợp trong quản lý, vận hành CDVC quốc gia của một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chủ động, đôi khi lúng túng dẫn đến việc triển khai một số nội dung công việc chậm hoặc kết quả chưa cao.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý tới việc một số cơ quan còn chưa thực hiện tin học hóa toàn bộ công việc, hướng tới xử lý tất cả hồ sơ bằng máy tính, qua môi trường mạng. Hồ sơ khi đã được xử lý trên mạng máy tính thì tất cả các khâu đều được lưu lại. Do đó, việc truy vết trách nhiệm rất dễ và rõ; đồng thời không lo bị mất hồ sơ, thất lạc hồ sơ, sai sót hồ sơ. “Thậm chí, ngay ở Trung ương, nhiều cơ quan khi đưa chữ ký điện tử vào rồi nhưng không chỉ giao dịch với người dân, doanh nghiệp mà ngay giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với nhau vẫn đòi chữ ký tươi, vẫn đòi nhìn thấy dấu đỏ. Việc này tưởng chừng dễ nhưng rất khó, thói quen bao nhiêu năm là phải bằng giấy, phải có chữ ký, phải đóng dấu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
“Virus” trì trệ trong chính người dân, doanh nghiệp mặc dù dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhưng vẫn muốn mang hồ sơ đến cơ quan hữu quan trực tiếp thực hiện. Những người này thường có nỗi lo rất mơ hồ là gửi hồ sơ qua các cổng dịch vụ công sẽ không đến được nơi cần đến do không nhìn thấy tận mắt hồ sơ của mình đã đến được tay cán bộ, công chức xử lý.
"Phương thuốc" đặc hiệu nhất chống lại loại “virus” trì trệ này với cán bộ, công chức, viên chức vẫn là xử lý trách nhiệm đến từng cá nhân; với người dân, doanh nghiệp là đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó có cả sự tác động trực tiếp bằng nêu gương mà hạt nhân chính là các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Từ những trường hợp thực tế sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại hiệu quả thế nào, tiện lợi ra sao sẽ tác động ngay tới những người sinh sống xung quanh, giúp họ thay đổi cách nhìn và thói quen, từ đó lan tỏa thói quen mới trong xã hội.
Đối mặt thường xuyên với tấn công mạng
Tiện ích cũng nhiều, nhưng việc giải quyết hồ sơ, thủ tục trên môi trường mạng cũng đặt ra không ít khó khăn, nhất là công tác bảo mật thông tin liên quan đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước... Thực tế, chưa bao giờ chúng ta đứng trước nguy cơ bị rò rỉ thông tin lớn như hiện nay. Do đó, bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn, quyền riêng tư của người dân, quyền giữ bí mật của doanh nghiệp là thách thức vô cùng lớn với các bộ, ngành, địa phương khi triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Dù thách thức rất lớn nhưng các cơ quan hữu quan luôn cố gắng vượt qua khi triển khai dịch vụ công trực tuyến. Thực tế, trong rất nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm của VPCP; của các bộ, ngành, địa phương về cung cấp dịch vụ công trực tuyến vấn đề làm sao để bảo đảm an toàn thông tin, quyền riêng tư của người dân và quyền giữ bí mật của doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật luôn thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Các giải pháp cho vấn đề này được coi là ưu tiên hàng đầu khi triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói chung và vận hành CDVC quốc gia nói riêng.
Để đất nước bắt nhịp được với thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử là rất cần thiết để lan tỏa phát triển xã hội điện tử, công dân điện tử với kết cấu hạ tầng chính là CDVC quốc gia (tuyến chính) và CDVC của các bộ, ngành, địa phương (tuyến nhánh). Với quyết tâm rất cao, Chính phủ đã ủng hộ mạnh mẽ để VPCP hoàn thiện dự án CDVC quốc gia trong thời gian rất ngắn. Sự phát triển mạnh mẽ của CDVC quốc gia chỉ sau một năm vận hành đã cho thấy rõ ràng đây là hướng đi đúng đắn và chính xác. Vận hành một hệ thống mới chắc chắn sẽ gây ra những va chạm nhất định vì không chỉ làm thay đổi cách thức vận hành công việc đã thành thói quen, mà còn làm giảm lợi ích nhóm của nơi này, nơi khác. Tuy nhiên, với tính đúng đắn và là sự phát triển tất yếu, tất cả vì lợi ích của đất nước, CDVC quốc gia sẽ vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Những thành phần “chậm tiến” hoặc mưu lợi ích riêng sẽ trở thành thiểu số và chắc chắn sẽ phải thay đổi, nếu không muốn phải “đứng sang một bên”.
NGUYỄN CHIẾN THẮNG