Trái ngọt cho nỗ lực xây dựng Chính phủ, chính quyền phục vụ

Chỉ sau một năm khai trương, số thủ tục hành chính (TTHC) đã được các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên CDVC quốc gia đã đạt 2.700 thủ tục, trải rộng ở hầu khắp các lĩnh vực, địa bàn trên cả nước, đạt 39% so với tổng số TTHC của cả nước (chỉ tiêu Chính phủ nêu ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 là 30%). Người dân, doanh nghiệp chỉ cần mở một tài khoản trên CDVC quốc gia là có thể thực hiện các thủ tục trực tuyến ở bất cứ đâu.

Thông tin từ Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho biết: Tính đến ngày 24-12 đã có 412.000 tài khoản đăng ký. Số lượng tài khoản đăng ký trên CDVC quốc gia đã tăng gấp 5,8 lần so với tháng 3-2020.

Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện chuẩn hóa, công bố, công khai dữ liệu TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. So với trước thời điểm vận hành CDVC quốc gia, việc chuẩn hóa giúp cắt giảm, bãi bỏ 702 TTHC hết hiệu lực, trùng lặp. CDVC quốc gia đã phục vụ hơn 99 triệu lượt truy cập của người dân, doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin, dịch vụ, tăng gấp hơn 4,7 lần so với tháng 3-2020. CDVC quốc gia đã đồng bộ trạng thái hơn 27,2 triệu hồ sơ, tăng gấp hơn 8 lần so với tháng 3-2020.

Chiều 31-12-2020, Bệnh viện Trung ương Huế ra mắt giải pháp thanh toán dịch vụ y tế trực tuyến. 

Đến 24-12 đã có hơn 1 triệu trường hợp thực hiện các dịch vụ tiện ích trên CDVC quốc gia; hơn 719.000 hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ CDVC quốc gia, trung bình mỗi ngày làm việc, CDVC quốc gia tiếp nhận, xử lý 2.600 hồ sơ trực tuyến, các tháng gần đây đã tiếp nhận và xử lý từ 5.000 đến 9.000 hồ sơ trực tuyến mỗi ngày làm việc; có 54/63 địa phương và 14 bộ, ngành, cơ quan hoàn thành kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến trên CDVC quốc gia, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán trực tuyến của CDVC quốc gia đã đạt hơn 45.700 giao dịch. Bên cạnh đó, CDVC quốc gia cũng đã tiếp nhận, xử lý hơn 9.600 phản ánh, kiến nghị; tiếp nhận và giải đáp hỗ trợ hơn 44.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp tới Tổng đài 18001096.

Những con số “biết nói” nêu trên đã cho thấy, một chủ trương đúng được thực hiện khẩn trương, kịp thời với tinh thần quyết tâm cao sẽ mang lại những thành quả rất lớn. Đó chính là dư địa rất tiềm năng để nước ta thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh các dư địa khác đang ngày càng hạn hẹp dần.

Cần tinh thần mạnh dạn

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, những con số tiết kiệm được bao nhiêu thời gian ngày công, bao nhiêu chi phí mà Văn phòng Chính phủ (VPCP) thống kê đã nói lên sự thiết thực của CDVC quốc gia. Cùng với đó, CDVC quốc gia cũng chính là giải pháp để Chính phủ minh bạch hóa, công khai hóa hoạt động trước nhân dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ. Thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến, tránh tiếp xúc trực tiếp cũng tạo ra những cơ hội được thụ hưởng dịch vụ bình đẳng giữa các doanh nghiệp và người dân, đồng thời hạn chế được điều kiện phát sinh tham nhũng.

Vì vậy, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn, lãnh đạo các bộ, địa phương mạnh dạn đặt ra quyết tâm để đạt kết quả cao hơn trong tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên CDVC quốc gia. Phó thủ tướng nêu dẫn chứng, khi bàn về đề án CDVC quốc gia, chỉ tiêu đến năm 2020 cung cấp được 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; sau đó mỗi năm tăng thêm 20% đã khiến rất nhiều người lo lắng rằng khó đạt được. Kết quả là đến hết năm 2020, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ độ 4 đạt được tới 39%. “Liệu chúng ta có dám đặt ra mục tiêu không phải là tăng 20% hay 30% nữa, liệu chúng ta có dám đặt ra phấn đấu đưa 100% các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4 không? Ít nhất là dịch vụ công ở cấp bộ, cấp tỉnh; còn cấp huyện, cấp xã có thể sau một chút. Liệu chúng ta có làm được không?”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề.

Kết quả đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở Bộ Y tế đã tạo ra bầu không khí thi đua rất sôi nổi giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác này. Vì thế, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của bộ máy hành chính nước càng ngày càng được cải thiện, nâng cao. Trong không khí thi đua sôi nổi ấy, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa 100% dịch vụ công thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Bộ Thông tin và Truyền thông còn trực tiếp tư vấn giúp đỡ một số địa phương và đến nay các địa phương này đã đạt được tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 khá cao. Điển hình như tỉnh Bến Tre với sự giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt tỷ lệ 70% và đang hướng tới hoàn thành mục tiêu 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 trong năm 2021.

Không khó nếu có quyết tâm cao

Nói về tiến trình số hóa việc cung cấp dịch vụ công, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh đầu tư xây dựng dịch vụ công trực tuyến từ rất sớm. Lãnh đạo Bộ Y tế đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Ngày 1-8-2014, Bộ Y tế khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đầu tiên về giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm. Đến nay, dịch vụ công trực tuyến này vẫn hoạt động và đã xử lý gần 15.000 hồ sơ. Sau 5 năm triển khai, đến năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng và đưa vào vận hành 90 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó có 57 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Sang năm 2020, Chính phủ giao Bộ Y tế phải hoàn thành xây dựng 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Với quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, sửa đổi quy trình nghiệp vụ, biểu mẫu thủ tục hành chính cho phù hợp với việc chuẩn hóa. Lãnh đạo Bộ Y tế trực tiếp chủ trì các buổi làm việc giữa các đơn vị thuộc bộ với các công ty công nghệ thông tin để lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Kết quả, đúng ngày 30-6-2020, 100% TTHC thực hiện tại Bộ Y tế đã được chuyển thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bước đầu, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc tái cấu trúc các quá trình nghiệp vụ, thay đổi thói quen làm việc của cán bộ, công chức trong việc tiếp cận quy trình mới, nghiệp vụ xử lý trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, phấn đấu và với quyết tâm cao, Tây Ninh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao. Cụ thể, đến hết năm 2020, tỉnh Tây Ninh đã đồng bộ trạng thái giải quyết được 79.252 hồ sơ trên CDVC quốc gia; đã thực hiện tích hợp, cung cấp 682 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong tổng số 1.877 TTHC của tỉnh trên CDVC quốc gia, đạt 36,33%. Với sự giúp đỡ của VPCP, tỉnh Tây Ninh đã triển khai thanh toán phí, lệ phí trực tuyến tích hợp trên CDVC quốc gia. “Với kết quả đã đạt được, tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số theo chủ trương của Chính phủ đạt kết quả cao nhất”, đồng chí Trần Văn Chiến nói.

NGUYỄN CHIẾN THẮNG