Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ (VPCP), đã có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng Chính phủ, chính quyền phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là xây dựng Cổng dịch vụ công (CDVC) quốc gia là những sáng kiến nổi bật nhất để xây dựng Chính phủ, chính quyền phục vụ, cũng là điểm sáng nổi bật trong kết quả hoạt động của Chính phủ, VPCP trong năm 2020.

Bài 1: Cổng dịch vụ công quốc gia cán mốc 2.700 thủ tục

QĐND - Kết thúc năm 2020, chỉ sau một năm vận hành, CDVC quốc gia đã cán mốc cung cấp 2.700 dịch vụ công trực tuyến, giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội khoảng 8.000 tỷ đồng; cải thiện rõ chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng được nâng lên.

Niềm vui của những người đầu tiên sử dụng 4 dịch vụ công trực tuyến mới

Ngày 30-12-2020, VPCP chính thức công bố thêm 4 dịch vụ công trực tuyến mới trên CDVC quốc gia, gồm: Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân; cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng; cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu.

Sau khi điền đầy đủ thông tin để thực hiện thủ tục đất đai cho gia đình và nhận được thông báo thuế trực tuyến, chỉ với vài thao tác đơn giản, anh Nguyễn Huy Việt (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã thanh toán xong 2,5 triệu đồng nghĩa vụ tài chính. Ngay lập tức, các trường thông tin của anh Nguyễn Huy Việt đã được anh Phạm Văn Tùng (cán bộ văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Bình Xuyên) xử lý. Toàn bộ quy trình anh Nguyễn Huy Việt thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến, chứng từ điện tử được chuyển tới cơ quan chức năng xử lý chỉ hết hơn 3 phút. Đó là hình ảnh được truyền trực tiếp từ tỉnh Vĩnh Phúc về VPCP tại lễ sơ kết một năm vận hành CDVC quốc gia và công bố thêm 4 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có dịch vụ mà anh Việt thực hiện. Nụ cười rạng rỡ không chỉ xuất hiện trên gương mặt anh Việt, mà còn xuất hiện trên khuôn mặt của tất cả mọi người tại hội nghị khi tận mắt chứng kiến sự thành công của một bước tiến lớn trong công tác phục vụ nhân dân tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Người đầu tiên thực hiện dịch vụ kê khai, nộp phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu trực tuyến là anh Hoàng Văn Trung (Hà Nội). Không phải đến cơ quan hải quan lấy xác nhận tờ khai nguồn gốc xe để về nộp cho cơ quan đăng ký xe; không phải đến tận cơ quan chức năng để khai, nộp lệ phí trước bạ; không phải mang tất cả giấy tờ, chứng từ đến cơ quan đăng ký xe để nộp và nhận lịch hẹn bấm biển số và lấy biển số, giấy tờ chứng nhận đăng ký xe, anh Trung chỉ cần ngồi tại bàn làm việc thực hiện tất cả các công đoạn ấy, rồi chờ đến ngày hẹn tới cơ quan công an bấm và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe. Phấn khởi trước sự nhanh chóng, thuận tiện trong thực hiện TTHC mà nếu làm theo phương thức truyền thống sẽ phải mất vài ngày đi lại, chờ đợi, anh Trung nói: “Trước đây, bạn tôi đi làm thủ tục đăng ký thì phải tới 3 cơ quan là thuế, kho bạc và công an. Nhưng hiện nay, với CDVC quốc gia, tôi có thể ngồi tại nhà làm toàn bộ thủ tục. Nộp hồ sơ trực tuyến rất đơn giản, vì có sự liên thông, liên kết chia sẻ thông tin. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến không những tạo thuận lợi cho người dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong tình hình đại dịch Covid-19 rất phức tạp”.

Anh Hoàng Văn Trung thực hiện thủ tục đăng ký xe trực tuyến. Ảnh: CHIẾN THẮNG 

Thực tế hiện nay, xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ là thủ tục người dân có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, những thủ tục rườm rà, phức tạp theo cách truyền thống khiến rất nhiều người dân cảm thấy ngại ngần, nên không ít người lựa chọn xây dựng không phép, sẵn sàng chịu nộp phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, với việc tích hợp thủ tục này lên CDVC quốc gia, việc xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trở thành đơn giản, thuận tiện hơn nhiều. Anh Phạm Ngọc Tuấn (Ngọc Thụy, Long Biên, TP Hà Nội) là người đầu tiên sử dụng dịch vụ này trong ngày đầu tiên dịch vụ được tích hợp lên CDVC quốc gia. Chỉ mất ít phút gửi lên, hồ sơ của anh được chị Nguyễn Quỳnh Hương (cán bộ Bộ phận Một cửa quận Long Biên) nhận được và chuyển tới phòng chuyên môn xử lý...

Tiết kiệm lớn cho xã hội

4 dịch vụ công trực tuyến mới được tích hợp thêm đã nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên CDVC quốc gia lên con số 2.700. Với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể ngồi ở bất cứ đâu có đủ phương tiện kết nối để thực hiện TTHC, tiết kiệm rất nhiều về thời gian, công sức và chi phí so với cách làm cũ.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trung bình mỗi năm có khoảng hơn 4 triệu trường hợp thực hiện thủ tục thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC về đất đai. Việc thực hiện thủ tục trực tuyến giúp người dân tiết kiệm được ít nhất một ngày công với 4 lần đi lại. Nếu chỉ 2 triệu trong số 4 triệu trường hợp mỗi năm thực hiện thủ tục theo hình thức trực tuyến và nếu tính theo mức thu nhập bình quân đầu người, chi phí mỗi lần đi lại tối thiểu 30.000 đồng thì số tiền tiết kiệm được là: (27.625 đồng/giờ công x 8 giờ + 30.000 đồng x 4 lần đi lại) x 4 triệu x 0,5 = 682 tỷ đồng/năm.

Tính toán của Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho thấy, mỗi năm có hàng triệu người có nhu cầu cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, như: Xây dựng công trình, mua bán, thế chấp đất đai... Với quy trình từ nộp hồ sơ đến tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết hoàn toàn thực hiện trên môi trường mạng sẽ giúp tiết kiệm khoảng 281 tỷ đồng/năm.

Theo số liệu do Bộ Xây dựng cung cấp, trung bình mỗi năm có 111.000 công trình nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng trên cả nước. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp tiết kiệm được ít nhất 3 ngày công, với 4 lần đi lại và thời gian, chi phí chuẩn bị hồ sơ. Nếu khoảng 50% người dân lựa chọn thực hiện trực tuyến thì số tiền tiết kiệm được hàng năm ít nhất là 54,6 tỷ đồng/năm.

Báo cáo tổng hợp của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, trung bình cả nước mỗi năm có khoảng 4,8 triệu trường hợp đăng ký xe, trong đó xe sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 4,2 triệu (ô tô 500.000, xe máy 3,7 triệu) và xe nhập khẩu khoảng 600.000 xe). Theo đó, với việc mở rộng đối tượng, phạm vi thực hiện, chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công này ước tính tối thiểu khoảng 558,5 tỷ đồng/năm.

Như vậy, việc tích hợp, cung cấp 4 dịch vụ công này có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm, nâng tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên CDVC quốc gia từ khi khai trương đến nay là khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.

Sự nhanh chóng, tiện lợi của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hiệu quả công việc của cán bộ, công chức khi tiếp nhận và giải quyết TTHC trực tuyến và những con số ước tính về chi phí tiết kiệm được của xã hội từ việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến chính là minh chứng thuyết phục nhất cho thấy quyết định xây dựng, vận hành CDVC quốc gia là hoàn toàn đúng đắn và cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.

Thông tin được cung cấp tại lễ công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 2.700 trên CDVC quốc gia, dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân đã được cung cấp tại 4 địa phương là: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định, Tây Nguyên và sẽ triển khai trên toàn quốc vào quý I năm 2021. Dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng và dịch vụ cấp giấy phép xây dựng đã được thực hiện tại 22 tỉnh, sẽ mở rộng triển khai trên toàn quốc trong năm 2021. Dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ, cấp đăng ký, biển số xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đã được áp dụng trên toàn quốc. 

(Còn nữa)

NGUYỄN CHIẾN THẮNG