Chính phủ quy định đối tượng miễn học phí gồm: Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; hoặc học một trong các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.

Ngoài các ngành học trên, sinh viên thuộc một trong các trường hợp sau cũng được miễn học phí khi theo học các cơ sở đào tạo đại học công lập:

- Sinh viên hệ cử tuyển.

- Sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học người dân tộc thiểu số mà có cha/mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (nếu ở với ông bà) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 57/2017/NĐ-CP: Pu Péo, Cống, Mảng, Si La, Bố Y, Cờ Lao, La Ha, Ơ Đu, Ngái, Chứt, Brâu, Rơ Măm, Lự, Pà Thẻn, La Hủ, Lô Lô.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Các đối tượng được giảm học phí 70%: Sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật, một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định...

Ngoài ra các ngành học trên, chế độ giảm 70% học phí còn áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số (trừ dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo.

Các đối tượng được giảm 50% học phí: Sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên sẽ được giảm 50% học phí tại các cơ sở đào tạo đại học công lập.

NGỌC LÂM