Hội thảo do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp tổ chức.
Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhằm góp phần cung cấp những luận chứng khoa học, thực tiễn về công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trong kỷ nguyên mới, để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời đề xuất các định hướng, giải pháp tiếp tục chỉ đạo, định hướng đổi mới giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 |
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
|
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên lý luận chính trị trên cả nước. Bằng những luận chứng khoa học và thực tiễn, từ nhiều góc độ khác nhau, hơn 70 bài tham luận gửi về ban tổ chức đã tập trung phân tích, làm rõ, luận giải những nội dung tiền đề quan trọng, ý nghĩa, thiết thực, sâu sắc của Kết luận số 94-KL/TW; khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với sự nghiệp giáo dục, giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ.... Hội thảo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cơ bản cần khắc phục như nội dung giáo trình còn nặng tính hàn lâm, thiếu gắn kết thực tiễn; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; đội ngũ giảng viên lý luận chính trị còn thiếu về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất lạc hậu; thiếu bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả giáo dục chính trị trong thực tiễn; một bộ phận sinh viên chưa tích cực, hứng thú học lý luận chính trị.
Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp mang tính chiến lược và đột phá, bao gồm: Rà soát, cập nhật nội dung chương trình lý luận chính trị theo hướng tích hợp, gắn với thực tiễn đất nước và các vấn đề toàn cầu như chuyển đổi số, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu...; đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, áp dụng công nghệ số, tăng tính tương tác và khả năng phản biện trong học tập; phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu mới; giỏi lý luận, am hiểu thực tiễn, thành thạo công nghệ và có bản lĩnh chính trị; thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên quan và các địa phương trong lãnh đạo thực hiện các chủ trương của Đảng về giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, quản lý nội dung và chất lượng giáo dục lý luận chính trị; xây dựng bộ công cụ kiểm định hiệu quả giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được ghi nhận, tổng hợp, chắt lọc phục vụ xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 94 của Ban Bí thư, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, định hướng đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian tới.
Tin, ảnh: MINH VÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.