Không nằm ngoại lệ, hệ thống bảo tàng quân đội xác định chuyển đổi số là bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di tích, di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa, lịch sử quân sự (LSQS) Việt Nam.
Khám phá quá khứ trong lịch sử của cha ông
Tham quan Bảo tàng Phòng không-Không quân, nhìn hiện vật trưng bày là chiếc mũ của một phi công đã hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, đây sẽ là câu chuyện xúc động, góp phần tôn vinh hình tượng người lính thời bình, nếu những người làm công tác bảo tàng thay đổi cách thể hiện, trưng bày. Ông nói: "Số hóa những hiện vật của liệt sĩ này, kể câu chuyện về gia đình, quá trình học tập, khổ luyện rồi bối cảnh đồng chí hy sinh... Như vậy, các hiện vật, di sản đều có thể trở nên biết nói, biết kể để chúng ta hôm nay và thế hệ tương lai sẽ hiểu quá khứ, lịch sử của cha ông sống, cống hiến và hy sinh như thế nào. Đây là hình thức gìn giữ, phát huy di sản bền vững, lan tỏa rộng rãi nhất”.
Ý kiến đóng góp trên của PGS, TS Nguyễn Văn Huy tại một hội thảo đề cập đến chuyển đổi hình thức trưng bày tại các bảo tàng quân đội để thu hút du khách được tổ chức gần 10 năm trước, đến nay đang được các bảo tàng trong quân đội triển khai, trong đó áp dụng nền tảng số để số hóa, lưu trữ di sản, tham quan bảo tàng 3D, sử dụng vé điện tử...
 |
Hình ảnh Bảo vật quốc gia-xe tăng T54B số hiệu 843, được số hóa, trưng bày bảo tàng 3D trên nền tảng số. Ảnh: ĐỨC ANH |
Nhớ lại những ngày đầu chuyển đổi công nghệ số để phục vụ triển khai tương tác bảo tàng 3D và hệ thống trưng bày, gồm: Phòng trưng bày LSQS Việt Nam giai đoạn 1930-1953; phòng trưng bày 1953-1954; phòng trưng bày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Trung tá QNCN Nguyễn Thị Lan Hương, Phó trưởng phòng Kiểm kê-bảo quản, Bảo tàng LSQS Việt Nam rất hào hứng. Chị cho biết: “Nhận nhiệm vụ của thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, chúng tôi đã được tập huấn công tác số hóa và làm việc với các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, công nghệ thông tin để chuyển đổi công tác trưng bày từ trực tiếp sang nền tảng số, công nghệ 3D. Mục đích hướng đến lúc đó là đưa ứng dụng công nghệ bảo tàng 3D đi phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.
Từ thành quả bước đầu nêu trên, năm 2016, Bảo tàng LSQS Việt Nam tiếp tục xây dựng chương trình Bảo tàng điện tử 3D lớn hơn trong dự án Xây dựng chương trình giáo dục truyền thống LSQS Việt Nam tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo bằng công nghệ tương tác 3D. Mục tiêu của dự án là giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật, di tích lịch sử nhằm khẳng định truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống vẻ vang của Quân đội ta; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tới cán bộ, chiến sĩ ở những nơi không có điều kiện đến tham quan bảo tàng và các di tích LSQS. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc; lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; bồi dưỡng lý tưởng cộng sản cho các thế hệ, nhất là với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Năm 2019, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội, Bảo tàng LSQS Việt Nam tiếp tục phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ và xây dựng nội dung hệ thống tham quan 3D tổng thể các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng; nội dung giới thiệu khái quát một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật về các di tích LSQS thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi khởi nguồn cách mạng Việt Nam, nơi in dấu chân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh sau 30 năm Người ra đi tìm đường cứu nước, trở về Tổ quốc lãnh đạo quân và dân ta thực hiện công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc (Di tích Pác Bó, Di tích Chiến thắng Biên giới 1950); đặc biệt giới thiệu Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo với địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (ngày 22-12-1944) - tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay; di tích Chiến thắng trận đầu Phai Khắt-Nà Ngần - mở đầu truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta....
Dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 / 25-8-2021), Bảo tàng LSQS Việt Nam xây dựng phần mềm tham quan 3D giới thiệu “Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” làm quà tặng của Bộ Quốc phòng cho tỉnh Quảng Bình; cùng năm này, bảo tàng đã triển khai xây dựng nội dung phần mềm, thiết bị tham quan 3D Di tích quốc gia đặc biệt Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cho UBND tỉnh Bình Phước, được các cấp, các bộ, ngành đánh giá cao.
Giữ di sản cho thế hệ mai sau
“Một trong những điểm mới khi ứng dụng công nghệ tương tác 3D mà hiện nay các bảo tàng quân đội nói chung, nhất là Bảo tàng LSQS Việt Nam thực hiện là ghi hình thuyết minh viên đối với các điểm tham quan và tích hợp vào phần mềm giúp người xem có thể tiếp thu nội dung đầy đủ bằng cả hình ảnh và âm thanh, mà không cảm thấy quá khác biệt khi tham quan thực tế. Giải pháp đó giúp nội dung tuyên truyền phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn hơn phương thức số hóa thành hình ảnh thông thường”, PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đánh giá.
 |
Các đại biểu tham quan trưng bày triển lãm tại Bảo tàng LSQS Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng |
Cũng theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, việc ứng dụng công nghệ bảo tàng 3D là hoàn toàn khả thi và mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ hiệu quả cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng về nội dung, tư liệu, đội ngũ nhân sự và đặc biệt là các giải pháp kỹ thuật, để kho tàng di sản văn hóa quân sự vừa được giữ gìn, vừa được quảng bá, tiêu biểu là 9 bảo vật quốc gia Việt Nam, như: Máy bay MiG-21F96 số hiệu 5121, xe tăng T54B số hiệu 843, máy bay MiG-21 số hiệu 4324, bản đồ quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh...
Với vị trí là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội, đến nay Bảo tàng LSQS Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ bảo tàng 3D. Theo Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam, bảo tàng đang phối hợp với các bảo tàng trong quân đội xây dựng nội dung 3D tổng thể các phần trưng bày tại Bảo tàng LSQS Việt Nam; xây dựng nội dung 3D một số trưng bày tiêu biểu tại Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ... Bên cạnh đó, xây dựng nội dung 3D cho 12 di tích LSQS tiêu biểu, như: Di tích nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Cao Bằng); Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Thái Nguyên); Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh); Di tích Quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh)...
Năm 2021, Bảo tàng LSQS Việt Nam đã đưa ứng dụng thuyết minh tự động thông minh tìm hiểu Bảo tàng LSQS Việt Nam tham gia nội dung thi “Hoạt động triển lãm” thuộc môn thi Đội quân Văn hóa trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 tổ chức tại Liên bang Nga, được các nước cùng tham gia hội thao đánh giá cao về việc áp dụng công nghệ trong trưng bày giới thiệu bảo tàng. Năm nay, nội dung này tiếp tục được thể hiện công phu, phong phú hơn để nêu bật những thắng lợi vẻ vang của QĐND Việt Nam gắn với những di sản, di tích quân sự, giới thiệu tới bạn bè quốc tế tại Army Games 2022.
VƯƠNG HÀ