Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến cả gia đình và nhà trường chịu nhiều áp lực trong điều chỉnh kế hoạch dạy học và bảo đảm an toàn khi học sinh đến trường học trực tiếp.

Vừa học, vừa thăm dò

Một tuần sau khi Hà Nội cho phép 50% học sinh lớp 12 đi học trực tiếp, 50% học trực tuyến, các trường luôn trong tình trạng sẵn sàng cho tình huống khi có F0, F1, còn phụ huynh vừa cho con đi học, vừa thăm dò tình hình. Tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Trần Nhân Tông (Hà Nội), ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, chỉ có 33 học sinh đến trường, buổi thứ hai có 9 em. Đến ngày 9-12, chỉ có một em đến trường.

Tuy nhiên, những giáo viên có tiết dạy theo thời khóa biểu vẫn phải có mặt đầy đủ ở trường để sẵn sàng dạy trực tiếp. Với những lớp không có học sinh nào đến học, giáo viên chuyển sang dạy trực tuyến tại lớp học. Bà Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông chia sẻ, trường có 15 lớp học sinh khối lớp 12, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, mỗi buổi học chỉ có 50% số lớp đến trường. Do tình hình dịch trên địa bàn, không ít học sinh ở khu vực phong tỏa hoặc phải đi cách ly y tế khiến phụ huynh và học sinh không yên tâm đến trường.

leftcenterrightdel
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) chia ca học trực tiếp luân phiên các buổi trong tuần.

Trong khi 50% học sinh khối lớp 12 Hà Nội đi học trực tiếp từ ngày 6-12, thì Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ngày 9-12 mới cho học sinh quay trở lại trường. Thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết lý do lùi lịch để bảo đảm ổn định sức khỏe cho học sinh sau khi tiêm vaccine mũi 1. Trường có 685 học sinh khối lớp 12 được chia ca học trực tiếp luân phiên các buổi trong tuần, tỷ lệ học sinh đi học gần 100%.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, qua thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn thành phố, đến nay đã có 64.000 học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đi học bảo đảm an toàn. Để bảo đảm chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội xác định tổ chức kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, nhằm thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tùy theo từng cấp độ dịch ở các phường mà có phương án cho học sinh quay lại trường học.

Từng bước mở cửa lại trường học, TP Hồ Chí Minh cũng có những điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Từ ngày 13-12, chỉ thí điểm tổ chức học tập trực tiếp cho khối lớp 9 và lớp 12 đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Còn tại Thừa Thiên Huế, tỉnh cũng thống nhất cho tất cả các trường THPT trên địa bàn được tổ chức dạy học trực tiếp bình thường từ ngày 13-12.

Xây dựng phương án kiểm tra phù hợp

Giai đoạn này, học sinh đang gấp rút ôn tập cho bài kiểm tra cuối kỳ. Các nhà trường cũng xây dựng phương án kiểm tra phù hợp, thuận tiện nhất đối với học sinh. Theo chia sẻ của một số giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam (Hà Nội), chỉ hai môn Anh và Toán có lịch thi tập trung, chia lớp theo các ca thi, các môn khác giáo viên chủ động tổ chức.

Hiện nhiều môn đã tiến hành thi trực tuyến, lớp nào chưa thi sẽ chuyển kế hoạch sang thi trực tiếp. Cũng liên quan tới việc tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho hay: Một nửa học sinh khối lớp 12 đã đi học trực tiếp, nhưng nhà trường vẫn giữ nguyên phương án kiểm tra trực tuyến, bởi kế hoạch kiểm tra cuối kỳ liên quan đến nhiều yếu tố như đề thi, các khâu chuẩn bị.... Theo kế hoạch, học sinh sẽ bắt đầu kiểm tra sau ngày 20-12.

Tương tự, các cơ sở giáo dục trung học tại Vĩnh Long cũng đang tiến hành kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến. Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: Tùy tình hình thực tế, điều kiện của đơn vị, hoàn cảnh của học sinh, cơ sở giáo dục chọn thời gian, hình thức kiểm tra phù hợp. Học sinh có thể làm bài kiểm tra, thực hiện các sản phẩm, dự án học tập... tại nhà.

Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra chỉ được thực hiện sau khi học sinh được giáo viên ôn tập nội dung kiến thức, kỹ năng cần kiểm tra ít nhất một tuần để các em có thời gian chuẩn bị. Đối với các bài kiểm tra có điểm số cao hoặc thấp bất thường, nhà trường và giáo viên có thể tổ chức kiểm tra lại. Với TP Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT thành phố quy định, học sinh thuộc diện F0, cách ly, giãn cách xã hội..., nhà trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp. Việc kiểm tra bổ sung hoàn thành trước ngày 28-2-2022.

Để không làm học sinh quá lo lắng, quan điểm của các trường khi tổ chức thi là không gây áp lực về điểm số mà hướng tới giáo dục học sinh về tinh thần tự giác, các em có thể yên tâm làm bài kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của mình.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ