Người con quê gốc Thái Bình đã tiếp bước gia đình theo nghề giáo để tiếp tục cống hiến cho giáo dục vùng cao. Với cô, khó khăn trong nghề không nhiều, bởi được dạy học là niềm đam mê, hạnh phúc. Theo cô, khó khăn chủ yếu đến từ phía học sinh, do nhiều em vì hoàn cảnh gia đình mà bỏ dở việc học, hoặc có em lại mất động lực đi học. Đây là điều mà cô luôn đau đáu, tìm cách tháo gỡ. Bằng những nỗ lực tìm hiểu, động viên và khích lệ, cô đã giúp nhiều học sinh vượt qua trở ngại để tiếp tục học tập.

Thầy giáo Phạm Kiên Cường, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS xã Thanh An chia sẻ: “Là người gắn bó với trường từ ngày đầu thành lập, cô giáo Trần Lan Anh là nhà giáo tài năng, luôn đam mê, nỗ lực trong công việc, tạo nên những thay đổi tích cực trong phương pháp dạy và học, đồng thời giúp học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ và phẩm chất. Năm 2023, cô là người đầu tiên của trường trên cương vị giáo viên được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú".

leftcenterrightdel
 Cô giáo Trần Lan Anh cùng các học sinh.

Ở tuổi 47, việc áp dụng công nghệ, đổi mới phương pháp dạy học hiện đại với nhiều người gần như là rào cản thì với cô Lan Anh, đó lại là những thử thách thú vị, khẳng định năng lực và niềm đam mê với nghề. “Thách thức thì nhiều, nhưng không vì lý do tuổi tác mà không đổi mới. Bạn không thể ở lại phía sau nếu như muốn tồn tại với nghề và muốn cống hiến cho nghề”, cô giáo Lan Anh chia sẻ. 

Để học sinh không thấy sợ, ngại môn Toán, sự kiên nhẫn chính là bí quyết. Cô cố gắng tìm cách tiếp cận và giảng dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, giúp các em hiểu và tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng, hiệu quả. “Tôi truyền đam mê cho những học sinh giỏi; với học sinh yếu là sự kiên trì. Nhiều khi dành cả hai buổi mới giải quyết được một bài phương trình bậc hai. Tôi còn phải pha trò để học sinh bớt căng thẳng mới tiếp tục học được”, cô Lan Anh kể.      

Môn Toán, theo phương pháp của cô không chỉ là lý thuyết mà còn là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Cô tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm và áp dụng kiến thức vào thực tế, giúp môn học trở nên gần gũi. Điều này giúp học sinh phát triển năng lực sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề. Cô cho hay: “Khi học về hình chóp, hình khối, cô giáo có thể giao dự án, các em vận dụng kiến thức vừa học để làm ra bánh sinh nhật, làm mũ hay lên kế hoạch chi tiêu trong gia đình”.

Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, cô giáo Trần Lan Anh đã hỗ trợ và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trẻ. Cô không chỉ chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy mà còn hướng dẫn cụ thể, giúp họ phát triển và trở thành những giáo viên giỏi, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh Điện Biên.

Sự tín nhiệm, tin yêu từ đồng nghiệp, học trò, gia đình các em đã minh chứng cho những nỗ lực và thành quả giáo dục của cô gần 3 thập kỷ qua. Tất cả những điều ấy được cô thực hiện với một mong ước duy nhất là góp phần làm cho sự nghiệp giáo dục của Điện Biên ngày càng đổi mới, phát triển.

Bài và ảnh: AN BÌNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.