Nhiều trường mở ngành học gắn với công nghệ

Để hình dung về chuyển đổi số hiện nay, chúng tôi tìm đến TS Trần Việt Hùng, nhà đồng sáng lập STEAM for Vietnam, làm việc lâu năm về khoa học-công nghệ tại Hoa Kỳ, nơi được coi là một trong những trung tâm khoa học-công nghệ lớn nhất thế giới. TS Trần Việt Hùng cho biết: “ChatGPT giúp chúng ta thấy trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh thế nào. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ không biết làm gì, vì làm gì cũng không cạnh tranh được với máy móc. AI không loại bỏ ai mà người biết AI loại bỏ những người khác”.

Trong khi công nghệ không ngừng phát triển thì Việt Nam lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, thể hiện ở nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng lớn. Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố vào cuối năm 2022, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động của Việt Nam ước tính đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động. Về chất lượng, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Có thể nói, hiện nay, hầu hết lĩnh vực công nghệ cao chúng ta đều thiếu nhân lực; có những lĩnh vực chúng ta thiếu mà không tìm được người. Thậm chí có những lĩnh vực mà nhà tuyển dụng chọn sinh viên của chúng tôi với quan điểm đó là những người thông minh, có khả năng tự học. Chẳng hạn như tại các nhà máy sản xuất màn hình điện thoại, máy tính...”.

Nắm bắt thực tế này, nhu cầu học tập ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính cũng tăng nhanh, thể hiện qua các con số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu năm 2019 có 46.173 sinh viên nhập học thì đến năm 2022, số lượng nhập học bậc đại học các ngành công nghệ thông tin tăng lên 56.260 sinh viên. Năm 2023, xu thế lựa chọn các ngành nghề của học sinh khối 12 tiếp tục có sự dịch chuyển sang các ngành khoa học-công nghệ. Học sinh Nguyễn Tuấn Anh, Lớp 12A3, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), là một trong những sĩ tử chuẩn bị bước vào mùa thi năm nay, chia sẻ: “Vốn đam mê trong việc thống kê số liệu, khi biết khoa học dữ liệu là một ngành học có tiềm năng lớn trong tương lai, dù biết là khó nhưng em đã cân nhắc rất kỹ và quyết tâm thi vào ngành này. Sau khi được đào tạo, em muốn trở thành người phân tích dữ liệu mà điều kiện làm việc phù hợp và phát huy tối đa khả năng của mình”.

Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và người học, năm 2023, nhiều cơ sở đào tạo liên tục mở rộng tuyển sinh ngành học gắn với kỷ nguyên số. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, tính đến nay, đã có 150.000 học sinh, sinh viên theo học tại tất cả các cấp học của Tổ chức Giáo dục FPT. Đại học Quốc gia Hà Nội đưa vào tuyển sinh ngành học kỹ sư Kỹ thuật công nghệ cơ điện tử Trường Đại học Việt Nhật. Đại học Bách khoa Hà Nội mở thêm 3 chương trình đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, Công nghệ vật liệu polymer và compozit, Kỹ thuật sinh học. Học viện Ngân hàng mở thêm chương trình đào tạo về ngân hàng số, công nghệ tài chính. Trường Đại học Thương mại mở thêm ngành phân tích kinh doanh trong môi trường số...

leftcenterrightdel
 Thực hành máy công nghệ cao tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: THANH LÊ

 

Chủ động và linh hoạt trong cách thức đào tạo         

Dù đã nhanh chóng tuyển sinh và đổi mới đào tạo nhưng theo các chuyên gia, đào tạo nhân lực công nghệ cao của Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần làm. Theo PGS, TS Nguyễn Phong Điền: “Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ mới ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn thức tỉnh. Rất nhiều vấn đề chúng ta cần chuẩn bị và phải có thời gian thì mới ra lò được những “sản phẩm” thực sự chất lượng cao. Mong muốn của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn hợp lý khi mà tỷ trọng của các lĩnh vực công nghệ cao ngày càng có doanh thu gia tăng mạnh mẽ so với lĩnh vực truyền thống. Nhưng để làm được thì chúng ta cần một vài yếu tố, trong đó quan trọng là tính chủ động. Muốn can thiệp sâu vào công nghệ thì tiềm lực về khoa học-công nghệ của chúng ta phải vững vàng, nguồn nhân lực phải xuất sắc. Chúng ta không thể phó thác cho một doanh nghiệp nước ngoài vào sản xuất trong nước mà người Việt Nam chỉ tham gia ở một chuỗi đơn giản trong quá trình sản xuất. Việt Nam cần những người thực sự giỏi, am hiểu và luôn cập nhật khoa học kỹ thuật. Vấn đề này đã được nhìn nhận từ lâu, vậy giải pháp là gì? Quan trọng nhất là ngân sách bởi lĩnh vực này đòi hỏi nguồn lực lớn liên quan đến trang thiết bị. Bản thân các trường, đặc biệt là các trường công lập không thể tự xoay xở được”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tìm mọi khả năng, điều kiện để xúc tiến nguồn kinh phí hỗ trợ với mục tiêu tối quan trọng là tăng cường cơ sở vật chất, tăng trải nghiệm, thực hành cho sinh viên nhưng vẫn chưa đủ. Với một số lĩnh vực khó, nhà trường có giải pháp là ký kết với các doanh nghiệp thực hiện chương trình đào tạo chuyên biệt ngay tại trường. Trường tuyển lựa sinh viên giỏi, còn phía bạn hỗ trợ phương tiện, thiết bị để thực hành thí nghiệm, mời các chuyên gia hàng đầu của họ sang giảng dạy. 

Bên cạnh đào tạo đội ngũ kỹ sư, thạc sĩ có trình độ cao, các chuyên gia cũng cho rằng lĩnh vực công nghệ cao có nhiều phân khúc về nhân lực. Việt Nam cần cả những nhóm kỹ sư hỗ trợ, hay làm nhiệm vụ đơn giản như vận hành công nghệ cao. Vì thế, chúng ta cũng cần khuyến khích nhiều trường tham gia vào việc đào tạo lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức đào tạo. Một số ngành mới mở nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”, vì thế khi chọn ngành, thí sinh nên tỉnh táo trước các ngành học mới. Thí sinh nên chọn những ngành đã được kiểm định chứ không nên chọn ngành theo mốt hay tên gọi.

THANH NGA