Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết: Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải là đơn vị được giao chủ trì Làng Công nghệ giao thông vận tải thuộc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) quốc gia. Trên cơ sở đó, Nhà trường được Văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giao nhiệm vụ kết nối nguồn lực nhằm thu hút cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải.

leftcenterrightdel

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải phát biểu tại hội nghị. 

TS Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, hội nghị hôm nay tập trung vào lĩnh vực chuyên sâu trong ngành giao thông vận tải về quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng công nghệ số. Thông qua hội nghị, Nhà trường mong muốn là cầu nối để các nhà quản lý, tổ chức, nhà đầu tư, các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học cùng hợp tác để hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng. Một trong những quan điểm của chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 đó là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành hoạt động giao thông vận tải hết sức quan trọng và đang được tích cực ứng dụng.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, tổng số phương tiện kinh doanh vận tải hành khách hiện nay có 324.467 xe. Trong đó, tuyến cố định có 18.022 xe, chiếm tỷ lệ 6%; xe buýt có 9.536 xe, chiếm tỷ lệ 3%; xe taxi có 64.527 xe, chiếm tỷ lệ 20%; xe hợp đồng có 228.738 xe, chiếm tỷ lệ 70%; xe du lịch có 3.644 xe, chiếm tỷ lệ 1%.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị.

Ông Đỗ Công Thủy đánh giá việc triển khai ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực giao thông vận tải hiện nay gặp một số khó khăn là do nhận thức về chuyển đổi số một cách toàn diện và sâu rộng tại một số cơ quan, đơn vị là chưa cao. Các ứng dụng công nghệ thông tin mới đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, thiếu tính kết nối; chưa hình thành các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung và chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ phục vụ chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định.

Tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý chuyên ngành còn nhiều hạn chế và chưa được xây dựng theo quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ trong các đơn vị kinh doanh vận tải và tại cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu và yếu. Đa số các ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng và duy trì, vận hành.

Ông Đỗ Công Thủy đề xuất, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung gồm đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện, loại hình kinh doanh, hiệu lực của phù hiệu, biển hiệu… Cung cấp công cụ giám sát trực tuyến trên bản đồ số toàn bộ phương tiện trong toàn quốc theo thời gian thực (xem được toàn bộ các thông tin có liên quan đến 1 phương tiện bất kỳ đang hoạt động vận chuyển trên đường). Ứng dụng các giải pháp về công nghệ để xác định số lần vi phạm tốc độ, xác định vi phạm thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày. Giải pháp về công nghệ để kiểm soát truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng trình bày các bài tham luận về chuyển đổi số trong vận tải hành khách, vận tải hàng hóa; xu hướng ứng dụng công nghệ vào kiểm soát phương tiện vận tải; giải pháp kết nối doanh nghiệp công nghệ - quản lý nhà nước - doanh nghiệp kinh doanh vận tải…

Tin, ảnh: LA DUY