Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ GD QPAN, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

 Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh.

Phóng viên (PV): Việc triển khai dạy học GD QPAN theo Thông tư 02 mang lại hiệu quả ra sao, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh: Sau khi Thông tư 02 được ban hành, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng chương trình chi tiết môn học GD QPAN trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tổ chức viết sách giáo khoa GD QPAN theo chương trình của thông tư và đến nay chuẩn bị nghiệm thu. Hoạt động tập huấn nội dung, phương pháp giảng dạy mới cho gần 700 giáo viên và cán bộ quản lý cũng được tổ chức. Bộ cũng ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học GD QPAN và điều lệ hội thao GD QPAN đối với NTPT.

Qua hai năm thực hiện, các địa phương đã quan tâm hơn đến môn học này, đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị. Một số tỉnh có đầu tư khá lớn, từ 1 đến 2 tỷ đồng, như: Cần Thơ, Khánh Hòa, Phú Thọ, Quảng Ninh... Nhiều sáng kiến trong thực hiện dạy học môn GD QPAN cũng được các trường áp dụng, như: Tổ chức tham quan trải nghiệm tại khu di tích lịch sử cách mạng, các đơn vị quân đội... Cách thức tổ chức dạy học có nhiều thay đổi, tạo sức hấp dẫn hơn đối với học sinh.

Thí sinh thực hiện bài thi "Kỹ thuật vận động trên chiến trường" dành cho học sinh lớp 12 tại Hội thao QPAN học sinh THPT toàn quốc năm 2017.

PV: Theo đồng chí, ưu điểm của chương trình GD QPAN theo Thông tư 02 so với chương trình cũ là gì?

Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh: Phải khẳng định rằng ưu điểm là khá rõ ràng. Điều này được thể hiện qua những thay đổi tích cực trong dạy học môn GD QPAN. Điểm mới có thể coi là nổi bật của chương trình là giảm học lý thuyết, tăng thực hành; coi trọng việc giáo dục nhận thức, giáo dục lịch sử, nghệ thuật quân sự Việt Nam gắn với lịch sử, truyền thống của địa phương; lấy thực hành các kỹ năng quân sự, kiến thức an ninh làm trung tâm; bổ sung một số nội dung mới về kiến thức và kỹ năng quân sự thiết thực, gắn GD QPAN với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phù hợp với trình độ học sinh THPT.

Hệ thống kiến thức GD QPAN được đưa vào chương trình là những kiến thức cần thiết, giúp học sinh có nhận thức cơ bản và kỹ năng quân sự; hình thành nếp sống kỷ luật, ý thức tự giác bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng tham gia LLVT nhân dân Việt Nam. Hệ thống kiến thức lý thuyết và thực hành được thiết kế phù hợp với quá trình nhận thức từ thấp đến cao, có sự kế thừa và phát triển. Mỗi mạch nội dung có tính độc lập tương đối, song được phối hợp chặt chẽ để hình thành, phát triển ở học sinh nhận thức đúng đắn về QPAN.

PV: Trong quá trình thực hiện, đồng chí nhận thấy có vấn đề gì còn vướng mắc?

Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh: Mặc dù Thông tư 02 đã có hiệu lực gần hai năm, song vì lý do khách quan nên Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được sách giáo khoa GD QPAN. Vì vậy, môn học vẫn đang sử dụng sách giáo khoa cũ, nên việc thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp dạy học chưa triệt để; một số nội dung sau khi triển khai phát sinh vướng mắc về cơ sở vật chất. Ở một số trường THPT không thể triển khai hết nội dung bài giảng thực hành do diện tích nhà trường hẹp, không có mặt bằng, chưa đủ điều kiện về trang thiết bị. Biên chế tổ chức của công an, quân đội có sự thay đổi, do đó tên một số bài giảng và phương pháp giảng dạy ở một số chủ đề cũng cần phải tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

PV: Đội ngũ nhà giáo được coi là then chốt trong thực hiện chương trình dạy học, nhưng hiện nay vẫn thiếu giáo viên môn GD QPAN. Bộ GD&ĐT đã thực hiện các giải pháp nào để khắc phục?

Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh: Tính đến hết năm 2018, các trường đã đào tạo được 697 cử nhân GD QPAN, 2.148 văn bằng hai giáo viên GD QPAN. Đến nay, về cơ bản các trường công lập đã bố trí đủ giáo viên dạy môn GD QPAN. Tuy nhiên, ở nhiều sở, nhiều trường, giáo viên chủ yếu vẫn kiêm nhiệm. Trong số giáo viên dạy môn GD QPAN vẫn còn 1.193 giáo viên chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ GD QPAN (chưa đạt chuẩn). Cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy môn GD QPAN còn nhiều bất cập, như: Biên chế, chế độ trang phục, chế độ giờ giảng...

Vì vậy, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên dạy môn GD QPAN đạt chuẩn. Dự kiến đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung được 2.526 cử nhân GD QPAN chính quy, 3.630 cử nhân văn bằng hai GD QPAN. Khi đó, về cơ bản sẽ đáp ứng đủ yêu cầu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên dạy học bộ môn này. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên GD QPAN để giáo viên thêm yêu nghề, gắn bó với nghề.

PV: Thời gian tới, chúng ta cần làm gì để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn GD QPAN trong NTPT, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh: Chúng tôi tiếp tục đề nghị sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế trong dạy học môn GD QPAN, các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên; chủ động thẩm định, in và ban hành bộ sách giáo khoa GD QPAN trong trường THPT theo đúng kế hoạch. Bộ GD&ĐT đề nghị Thủ tướng gia hạn Quyết định số 607/QĐ-TTg ngày 24-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên GD QPAN các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020". Cùng với đó, cần tăng cường tập huấn nội dung, phương pháp giảng dạy cho cán bộ quản lý, giáo viên GD QPAN trong cả nước; đẩy nhanh tiến độ dự án bao cấp GD QPAN cho học sinh, sinh viên.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DUY VĂN (thực hiện)