Sáng 15-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải trình trước Quốc hội về các vấn đề liên quan tới an toàn hạt nhân trong dự án Luật Năng lượng nguyên tử. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Giải trình ý kiến của các đại biểu về vấn đề an toàn hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc bảo đảm an toàn trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và an toàn hạt nhân nói riêng sẽ do một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý.

Để bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, nhất là tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), bao gồm cả việc cấp phép an toàn hạt nhân trong mọi giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cử một đoàn đi tham vấn IAEA.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, về cơ bản, IAEA đã kết luận các quy định về an toàn bức xạ, an toàn an ninh và thanh sát hạt nhân của dự thảo luật đã bảo đảm các nguyên tắc của IAEA.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được thiết kế một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, một chương riêng quy định về nhà máy điện hạt nhân, trong đó có quy định về duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Dự thảo luật cũng đã xây dựng các biện pháp ứng phó sự cố, xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân. Nhấn mạnh như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích, vì ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân đã được đặt ở mức ưu tiên rất cao trong dự thảo luật, được thể hiện xuyên suốt trong từng đối tượng quản lý, từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, bổ sung quy định về danh mục hàng hóa phải kiểm xạ khi nhập khẩu.

Dự thảo luật có một chương riêng về bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân; một chương riêng về xử lý chất thải phóng xạ và giao cho Chính phủ các quy định chi tiết.

“Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bổ sung nguyên tắc, về sự tham gia và giám sát của cộng đồng. Thêm vào đó, việc quy định một chương riêng về thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của IAEA để bảo đảm các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và sắp tới là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.