* Tiêm kích thế hệ thứ 6 F-47 của Mỹ có khả năng đạt vận tốc Mach 2

Mới đây, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Allvin, đã đăng tải trên tài khoản X một hình ảnh đồ họa đánh dấu sự thay đổi lớn trong thông tin liên lạc chính thức của Mỹ, liên quan đến khả năng chiếm ưu thế trên không trong tương lai.

Lần đầu tiên, các thông số kỹ thuật chính của máy bay chiến đấu có người lái thế hệ thứ 6 được phát triển theo chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) đã được công khai.

Hình ảnh mô phỏng tiêm kích thế hệ thứ 6 F-47 của Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ 

Chiến đấu cơ này hiện được định danh là F-47, do Boeing phát triển, thể hiện sự tiến bộ trong học thuyết chiến tranh của Mỹ, nhằm thực hiện các nhiệm vụ thâm nhập và tác chiến trong môi trường có độ đối kháng cao, đặc biệt là trước đối phương sở hữu hệ thống chống tiếp cận/khu vực cấm (A2/AD) hiện đại. Thông tin này không chỉ là tuyên bố mang tính định hướng, mà còn nêu rõ các mục tiêu hiệu suất và cấu trúc của ứng viên tiềm năng thay thế F-22 Raptor.

Một trong những điểm nổi bật của F-47 là tầm hoạt động, được ước tính hơn 1.850km, cho phép thực hiện các cuộc tấn công sâu vào những khu vực mà các máy bay hiện tại của Mỹ đang bị hạn chế, chẳng hạn như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có nhiều hệ thống phòng không tầm xa.

Tốc độ tối đa của F-47 được báo cáo là vượt Mach 2, nhưng điểm khác biệt quan trọng nằm ở khả năng duy trì bay siêu thanh mà không cần đốt sau (afterburner), một khả năng từng có trên F-22, nhưng sẽ được nâng cấp thêm để phục vụ các nhiệm vụ tầm xa, đồng thời giảm phát xạ nhiệt và tiêu hao nhiên liệu. Kết hợp với công nghệ tàng hình “Stealth++”, F-47 được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn các thế hệ trước về khả năng giảm phản xạ tín hiệu radar và hồng ngoại.  

F-47 không phải là máy bay chiến đấu đa nhiệm, nó được thiết kế hoàn toàn để đảm nhận vai trò chiến đấu giành ưu thế trên không, với năng lực thâm nhập không phận đối phương, sống sót trong môi trường nguy hiểm và rút lui mà không bị phát hiện. Máy bay dự kiến sẽ hoạt động trong một hệ thống chỉ huy điều khiển phân tán (C2), tương tác với vệ tinh, cảm biến, cùng các nền tảng có người lái và không người lái.

F-47 được kỳ vọng sẽ là nền tảng trung tâm trong không chiến tương lai của Mỹ, thay thế các máy bay thế hệ thứ 5 và giữ ưu thế trong các cuộc xung đột hiện đại.

* Tàu hộ vệ HDMS Iver Huitfeldt phô diễn khả năng trong tập trận của NATO

Trang Army Recognition đưa tin, tàu hộ vệ chủ lực của Hải quân Hoàng gia Đan Mạch, HDMS Iver Huitfeldt (F361), đang tích cực tham gia cuộc tập trận phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp có bắn đạn thật quy mô lớn của NATO ngoài khơi Bodo, Na Uy, do Hạm đội 6 của Mỹ tổ chức và Lực lượng tấn công và hỗ trợ hải quân NATO (STRIKFORNATO) điều phối.

Đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực châu Âu, với mức độ phức tạp cao hơn, sự tham gia của nhiều quốc gia và nhiều mối đe dọa hơn so với các lần tổ chức trước.

Tàu hộ vệ HDMS Iver Huitfeldt (F361) của Hải quân Hoàng gia Đan Mạch di chuyển ngoài khơi bờ biển Bodo, Na Uy, trong khuôn khổ cuộc tập trận ASD/FS 25 của NATO. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ 

Việc triển khai tàu HDMS Iver Huitfeldt tham gia ASD/FS 25 là minh chứng rõ ràng cho cam kết chiến lược của Đan Mạch đối với phòng thủ tập thể.

Được biên chế vào năm 2011, lớp tàu hộ vệ Iver Huitfeldt là một trong những nền tảng phòng không tiên tiến nhất trong các lớp tàu chiến của NATO. Tàu được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ phòng không tích hợp, trang bị hệ thống cảm biến và vũ khí hiện đại. Tàu được trang bị radar giám sát tầm xa Thales SMART-L và hệ thống radar đa chức năng APAR, cho phép phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu trên không cùng lúc ở tầm xa. Các radar này được kết nối với hệ thống quản lý tác chiến tiên tiến, xử lý dữ liệu mục tiêu theo thời gian thực.

* Nhật Bản sẽ thử nghiệm tên lửa tầm xa Type 88

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật với tên lửa tầm xa ngay trên lãnh thổ, đánh dấu một sự chuyển biến đáng kể trong học thuyết quốc phòng.

Cuộc tập trận dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 30-6 tại bãi phóng tên lửa gần căn cứ Shizunai ở thị trấn Shinhidaka, nằm trên bờ biển phía Nam Hokkaido.

Tên lửa Type 88 bay theo một quỹ đạo phức tạp đã được lập trình sẵn, cho phép nó vượt qua địa hình phức tạp trước khi khóa mục tiêu bằng hệ thống radar chủ động ở giai đoạn cuối. Ảnh: Telegram 

Theo báo Asahi, Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận sẽ có 2 tên lửa Type 88 không mang đầu đạn được phóng vào hai thời điểm khác nhau, nhằm vào một mục tiêu trên biển nằm trong bán kính 40km về phía Tây Nam từ điểm phóng.

Type 88 là tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất do Nhật Bản phát triển hoàn toàn, dựa trên mẫu tên lửa phóng từ máy bay ASM-1 được chế tạo từ cuối những năm 1970. Tên lửa được thiết kế để triển khai cách bờ biển hơn 100km nhằm tránh bị tấn công phủ đầu bởi lực lượng hải quân đối phương trong trường hợp xảy ra đổ bộ.

Khác với các loại tên lửa phòng thủ bờ như Exocet hay Harpoon, Type 88 bay theo hành trình phức tạp được lập trình sẵn, cho phép vượt qua địa hình núi và bay trên mặt biển ở độ cao thấp, sau đó sử dụng radar chủ động ở pha cuối để tìm và khóa mục tiêu.

Type 88 có chiều dài khoảng 5m, đường kính 35cm, nặng 650kg, mang đầu đạn thông thường nặng 225-270kg. Tên lửa có vận tốc cận âm Mach 0.93 (khoảng 1.150km/giờ), tầm hoạt động ước tính khoảng 150km, được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar, giúp giảm diện tích phản xạ tín hiệu radar và tăng khả năng xuyên phá.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.