Phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 13-5 về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tới sự chuyển đổi trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp.
 |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Theo đó, lần đầu tiên, dự thảo luật có một chương riêng quy định chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển không chỉ bằng nguồn lực của mình, mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
“Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được khoảng dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70%, 80%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
 |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TRỌNG HẢI
|
Cùng với đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp như là chi phí sản xuất kinh doanh không còn bị giới hạn. Trước đây, chỉ doanh nghiệp có lãi mới được chi khoảng 1% doanh thu cho nghiên cứu phát triển.
“Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp có lãi còn được trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chính sách này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu phát triển, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá.
“Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Nhà nước cũng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ thông qua một số chính sách, như hỗ trợ lãi vay…”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.
 |
Đại biểu Sùng A Lềnh đánh giá cao quy định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: TRỌNG HẢI
|
Trước đó, thảo luận về nội dung này, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) đánh giá cao bước tiến của dự thảo luật khi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, theo đại biểu Sùng A Lềnh, nếu không có cơ chế tài chính cụ thể, đơn giản, dễ tiếp cận thì những chính sách này sẽ khó đi vào cuộc sống, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại biểu Sùng A Lềnh đề xuất bổ sung quy định về cơ chế Nhà nước cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong các dự án công nghệ có tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa cao, cần có các công cụ tài chính linh hoạt như bảo lãnh, tín dụng vốn mồi hoặc lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực…
Còn đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) thì nhắc tới yêu cầu của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 57: Phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ.
 |
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nhà nước phải trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ với mức tối thiểu 3% tối đa 10% thu nhập tính thuế, doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích lập quỹ tối đa 10%. Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội cũng cho phép doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao được trích lập quỹ tối đa 20% thu nhập tính thuế.
Từ việc viện dẫn các quy định như vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, quy định tại dự thảo luật về mức trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tối đa chỉ 5% là chưa phù hợp. “Rõ ràng với quy định trong dự thảo, doanh nghiệp vừa thiếu động lực, thiếu nguồn lực để đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo vốn là yếu tố then chốt trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị: “Cho phép trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối đa là 15% thu nhập tính thuế, riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu đổi mới sáng tạo”.
CHIẾN THẮNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.