Khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) được công nhận là động lực thiết yếu để đạt được sự phát triển bền vững và bao trùm trên toàn cầu [1].
Điều này bao gồm việc giải quyết các thách thức phức tạp liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của cuộc sống. Tiềm năng của KHCN và ĐMST sẽ không thể được khai thác đầy đủ nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ các chính sách phù hợp và một hệ thống thể chế vững mạnh. Mối liên hệ giữa KHCN, ĐMST với đồng bộ chính sách, hoàn thiện thể chế đóng vai trò then chốt trong việc chuyển các kết quả nghiên cứu khoa học thành các giải pháp thực tiễn.
    |
 |
Để phát huy vai trò dẫn dắt của khoa học công nghệ trong phát triển bền vững, cần đồng bộ chính sách, hoàn thiện thể chế. Ảnh minh họa: qdnd.vn
|
Điều kiện tiên quyết để KHCN và ĐMST đóng vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển
Việc làm giàu, cải thiện mối liên hệ này để chính sách, thể chế thực sự là nền tảng, là chất xúc tác, là động lực để KHCN và đổi mới phát triển là cần thiết để mỗi quốc gia phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ đối với hành lang pháp lý ở các cấp độ, từ trung ương đến địa phương, và giữa các lĩnh vực khác nhau, cũng như việc hoàn thiện các thể chế hiện có, để tạo ra một môi trường thuận lợi cho KHCN và ĐMST phát triển, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc đồng bộ chính sách, hoàn thiện thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thông qua KHCN. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình về quốc gia đã chủ động đồng bộ hóa chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua KHCN. Năm 2008, nước này đã khởi động chiến lược phát triển năng lượng xanh mang tên “Hàn Quốc Xanh”, tập trung vào việc tái cơ cấu ngành năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Chiến lược “Hàn Quốc Xanh” cho thấy sự đồng bộ hóa giữa các chính sách năng lượng, môi trường và kinh tế, cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để thực hiện một mục tiêu phát triển bền vững chung [2].
Chính sách phát triển của Cộng hòa Liên bang Đức cũng là một ví dụ về khuôn khổ thể chế được thiết kế để hỗ trợ phát triển bền vững. Chính sách này tuân theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và ưu tiên thúc đẩy các cách tiếp cận để người dân có thể tự giúp đỡ, hoạt động như một phần của mối quan hệ đối tác rộng rãi bao gồm các thành phần khác nhau của xã hội. Điều này cho thấy rằng, việc đồng bộ và hoàn thiện thể chế không chỉ cung cấp nguồn lực, mà còn tạo ra một môi trường hợp tác để các bên liên quan khác nhau có thể đóng góp vào các mục tiêu bền vững [3].
Kinh nghiệm từ các quốc gia nêu trên cho thấy, việc thúc đẩy KH&CN, ĐMST và phát triển bền vững phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng bộ của các chính sách trên các lĩnh vực, kết hợp với việc hoàn thiện thể chế trong hỗ trợ và hướng dẫn các sáng kiến KHCN, để đảm bảo một cách tiếp cận gắn kết và hướng tới tương lai bền vững hơn, để KHCN và ĐMST thực sự là động lực thiết yếu nhằm đạt được sự phát triển bền vững và bao trùm. Việc đồng bộ chính sách và hoàn thiện thể chế không chỉ bảo đảm nguồn lực cho KHCN mà còn tạo ra một hệ sinh thái hợp tác, nơi các bên liên quan cùng đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, KHCN và ĐMST chỉ có thể thực sự trở thành động lực phát triển khi được đặt trong một khung thể chế linh hoạt, đồng bộ và gắn kết với các lĩnh vực khác nhau, nhưng phải mang tính hệ thống, nhất quán. Việc xây dựng chính sách tích hợp, hướng tới hỗ trợ các sáng kiến KHCN một cách thiết thực sẽ giúp đảm bảo sự lan tỏa của đổi mới vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế là nền tảng để hướng tới một cách tiếp cận chiến lược, lâu dài, thúc đẩy sự kết nối giữa khu vực công và tư.
Đây chính là điều kiện tiên quyết để KHCN và ĐMST thực sự đóng vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững, bao trùm, thích ứng với bối cảnh toàn cầu đang biến đổi nhanh chóng hiện nay.
Việc sửa luật cần theo hướng tích hợp, đồng bộ và mang tính hệ thống
Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 quy định về tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN; việc tổ chức thực hiện hoạt động KHCN; biện pháp bảo đảm phát triển KHCN; quản lý nhà nước về KHCN. Luật này đã đưa ra định nghĩa cho các khái niệm cơ bản như KHCN, hoạt động KHCN, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, dịch vụ KHCN. Đồng thời, luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động KHCN, bao gồm các hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, tiết lộ bí mật nhà nước, lừa dối, giả mạo và cản trở hoạt động KHCN hợp pháp. Bên cạnh đó, luật cũng xác định quyền của các tổ chức KHCN, như quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động đã đăng ký, ký kết hợp đồng, đào tạo nhân lực và thành lập các tổ chức trực thuộc.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã bộc lộ một số hạn chế và chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của bối cảnh trong nước và quốc tế, đó là luật chưa thực sự nhấn mạnh và tạo điều kiện đầy đủ cho hoạt động ĐMST, vốn được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và xã hội. Ngoài ra, luật hiện hành còn tồn tại những bất cập liên quan đến cơ chế thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KHCN và ĐMST, chưa phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, và một số quy định về sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học chưa thực sự khuyến khích ứng dụng và thương mại hóa.
Vấn đề về quyền tự chủ của các tổ chức KHCN, đặc biệt là các tổ chức công lập, cũng được cho là cần được tăng cường, để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng thích ứng với môi trường nghiên cứu và phát triển ngày càng cạnh tranh. Thủ tục hành chính rườm rà và thiếu linh hoạt cũng là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của KHCN và ĐMST.
Việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành, hướng tới xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, xuất phát từ nhiều yếu tố quan trọng và nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược trong bối cảnh mới. Một trong những yếu tố hàng đầu là sự cần thiết phải điều chỉnh khung pháp lý để phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, KHCN và ĐMST cũng như sự phát triển nhanh chóng của KHCN trên thế giới và sự ra đời của các làn sóng công nghệ mới, cũng đòi hỏi luật pháp phải được cập nhật và điều chỉnh kịp thời.
Chính vì thế, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ 2013 là cần thiết và cấp bách, việc sửa đổi này cần được thực hiện theo hướng tích hợp, đồng bộ và mang tính hệ thống, để đảm bảo sự phát triển bền vững, cần thực sự đạt mục tiêu tháo gỡ các rào cản pháp lý, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN, ĐMST vào thực tiễn. Trong đó tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ quản lý theo quy trình sang quản lý dựa trên kết quả, từ kiểm tra đầu vào thành kiểm tra đầu ra, từ cơ chế xin - cho thành cơ chế phục vụ, trên cơ sở thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động KHCN và ĐMST, để KHCN và ĐMST thực sự là “đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính”.
Luật sửa đổi phải bao gồm đầy đủ các quy định đối với các lĩnh vực mới, vấn đề mới hiện nay như ĐMST, chuyển đổi số, thực sự tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, cần đồng bộ hóa các văn bản luật và đưa các quy định của pháp luật Việt Nam về KHCN, ĐMST tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, thông qua học hỏi kinh nghiệm về áp dụng các chính sách thành công từ các quốc gia phát triển. Việc sửa đổi luật cũng nhằm tăng cường mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Luật mới cũng cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hệ sinh thái ĐMST quốc gia toàn diện, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, còn các viện nghiên cứu và trường đại học là các chủ thể nghiên cứu chính. Song song với đó, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tạo ra một môi trường pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn, cũng là một trong những mục tiêu then chốt của quá trình sửa đổi luật này.
PGS, TS TRẦN QUANG DIỆU, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
[1]https://www.un.org/development/desa/dpad/wp-content/uploads/sites/45/CDP-excerpt-2013-3.pdf
[2]https://www.ebsco.com/research-starters/politics-and-government/south-koreas-energy-plan-sustainable-development
[3]https://www.tatsachen-ueber-deutschland.de/en/peace-and-security/fostering-sustainable-development