Khi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển, nó sẽ tạo ra giá trị mới với hiệu quả năng suất cao hơn và khả năng cạnh tranh bền vững, giúp Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ngày 18-5-1963, người đã khẳng định: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi…”[1].
Kế thừa quan điểm mang tính chỉ đạo của Người, trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức và có quan điểm rất rõ ràng về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Tại Đại hội IV (1976), lần đầu tiên Đảng ta đã khẳng định vai trò của khoa học trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và khôi phục kinh tế ở miền Nam. Tuy nhiên, thời điểm này, khoa học công nghệ vẫn chủ yếu phục vụ sản xuất, chưa thực sự trở thành động lực phát triển.
Từ Đại hội VI tới Đại hội IX, Đảng ta đã thay đổi về nhận thức, tư duy để khẳng định khoa học, công nghệ là “một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Từ đây, Đảng chủ trương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, gắn nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống. Khoa học, công nghệ là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đại hội X đến Đại hội XII, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách để khoa học, công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Văn kiện Đại hội XII xác định: “Phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[2].
Đại hội XIII của Đảng đã có bước phát triển đột phá trong tư duy, khi lần đầu tiên xác định rõ: “khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế” và cần “xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao”[3].
Đây cũng là giai đoạn các chính sách trọng điểm như chương trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng trung tâm chuyển đổi số quốc gia, và thúc đẩy các cơ chế thử nghiệm sandbox trong công nghệ.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã khẳng định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là quốc sách hàng đầu, là động lực tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh mới, là bước ngoặt bứt phá quan trọng, khơi thông các nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam bứt phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân và tập trung tháo gỡ rào cản, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực, nâng cao chất lượng nhân lực và quản lý nhà nước hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả, đặc biệt thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân.
 |
Bứt phá từ tư duy đến hành động là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực then chốt cho phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh minh họa: Nhandan.vn
|
Về bản chất, để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đi vào thực chất, chúng ta cần thể chế hóa sâu sắc hơn nữa các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đặc biệt là sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ (2013) và đồng bộ hóa hành lang pháp lý giữa các văn bản luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước… để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo cơ chế để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự bứt phá, với những gợi mở như sau:
Một là, cần bổ sung và làm rõ và nhất quán nội hàm “đổi mới sáng tạo” trong các văn bản luật, cần phân biệt rõ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm cả mô hình, thể chế, sản phẩm, dịch vụ... Giải quyết tận gốc rễ các điểm nghẽn trong các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hai là, cần tiếp tục cải cách cơ chế tài chính thực sự đột phá đối với các hoạt động này như áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, kiểm soát đầu ra thay vì đầu vào, thay đổi tư duy từ xin-cho sang phục vụ, đưa cơ chế đặt hàng nghiên cứu và chia sẻ rủi ro theo mô hình hợp tác không phân biệt khu vực công, tư vào thực tiễn một cách nhanh nhất. Giao nhiệm vụ theo năng lực, sở trường của mỗi chủ thể tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ba là, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đầu tư nghiên cứu theo hướng vừa nội địa hóa vừa hợp tác quốc tế. Cần giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ cho đơn vị chủ trì, cá nhân nghiên cứu đồng thời có quy định cụ thể về cơ chế định giá, đấu giá, chuyển nhượng kết quả khoa học công nghệ để tránh tình trạng lãng phí, chồng chéo nguồn lực, đồng thời khơi thông dòng chảy tri thức, phục vụ đắc lực cho sự phát triển chung của đất nước. Đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.
Bốn là, tăng cường quyền tự chủ cho tổ chức khoa học công nghệ công lập về tổ chức bộ máy, tài chính, tuyển dụng, tiền lương và khai thác tài sản trí tuệ. Trao quyền tự quyết cao hơn về tổ chức bộ máy, quản lý tài chính, tuyển dụng và trả lương cho đội ngũ cán bộ khoa học. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ do mình tạo ra, nhằm tăng nguồn thu, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia. Hoàn thiện và bổ sung các hành lang pháp lý về đạo đức nghiên cứu, bảo vệ dữ liệu cá nhân….
Năm là, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia bền vững, có trọng tâm, trọng điểm cho các trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ, vườn ươm công nghệ và các mô hình thử nghiệm mới. Tạo động lực và xác định rõ các quy định trong phối hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và nhà nước để tạo ra hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo bền vững.
Sáu là, đồng bộ hóa hệ thống pháp luật liên quan. Cần đồng bộ, thống nhất trong điều chỉnh các luật về tài chính, đầu tư công, đất đai, thuế… để hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đặc biệt trong khu vực tư nhân - động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
PGS, TS TRẦN QUANG DIỆU, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 97.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam. (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia Sự thật.