Đây là dấu mốc quan trọng, tiếp nối quá trình triển khai Cổng thông tin điện tử này theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức vận hành từ ngày 9-4.

Tính đến nay, Cổng Thông tin điện tử đã tiếp nhận 426 hồ sơ sản phẩm, giải pháp, trong đó 71 sản phẩm, giải pháp hữu ích đã được công bố. Hiện tại, 90 sản phẩm, giải pháp khác đang được Hội đồng đánh giá của Bộ KH&CN thẩm định. Riêng tại sự kiện hôm nay, 32 sản phẩm, giải pháp mới tiếp tục được công bố. Những con số này không chỉ phản ánh sức sống mạnh mẽ của hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, mà còn thể hiện sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học và những cá nhân đam mê sáng tạo trên khắp mọi miền đất nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long chủ trì hội nghị. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, trong giai đoạn đầu triển khai, hệ thống Cổng thông tin điện tử được xây dựng theo hướng vừa làm, vừa hoàn thiện. Bộ KH&CN đã tập trung rà soát, thiết kế các cấu phần kỹ thuật, đồng thời hoàn thiện quy trình vận hành phù hợp với thực tiễn. Đến nay, Bộ đã ban hành mẫu hồ sơ điện tử và cấu hình phù hợp cho từng nhóm sản phẩm, giải pháp; đồng thời thành lập Hội đồng đánh giá chuyên môn với quy trình, quy chế và bộ tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Với những nền tảng đó, Cổng Thông tin điện tử đã sẵn sàng trở thành địa chỉ tin cậy để tiếp nhận, đánh giá và công bố các sản phẩm, giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần tạo động lực cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ KH&CN), Cổng Thông tin điện tử không chỉ là nơi tiếp nhận các sản phẩm, giải pháp mà còn là nền tảng tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân có tư duy đổi mới, sáng tạo đăng ký các sáng kiến khoa học và công nghệ. Cổng thông tin điện tử phục vụ ba nhóm đối tượng chính: Các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân có sáng kiến cần hỗ trợ công bố, kết nối và thương mại hóa; cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng sáng kiến để nâng cao hiệu quả hoạt động; quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo tìm kiếm các sáng kiến tiềm năng để đồng hành, tài trợ và đầu tư.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin, Bộ KH&CN đã đề ra một số định hướng chiến lược. Về sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đưa tất cả các phát minh, sáng chế của Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử; đồng thời, cung cấp thông tin pháp luật và kiến thức về sở hữu trí tuệ một cách dễ tiếp cận. Cổng sẽ tích hợp với các cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ quốc gia và quốc tế, hỗ trợ người dùng tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ và tránh xâm phạm quyền của người khác. Cổng sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, kết nối chuyên gia, hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ và thúc đẩy thương mại hóa. Thông qua quá trình vận hành Cổng thông tin, Bộ KH&CN đề nghị các đại học, viện nghiên cứu đưa sáng kiến, công nghệ tiềm năng lên Cổng, đồng thời khuyến khích tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đăng tải sản phẩm, giải pháp của mình.

VĂN PHONG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.