Mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Đây là hành trình gian nan để vượt lên chính mình của nhà giáo và mục tiêu cuối cùng là đem lại điều tốt nhất cho học trò.

Không ngừng học hỏi

Hơn 15 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên môn Tin học, Trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An (Sơn La) không thể nghĩ thời gian phải học trực tuyến do dịch Covid-19 lại là giai đoạn cô có sự phát triển nhất về chuyên môn. Tìm cách thay đổi chính mình và học trò, cô Hà tham gia khóa bồi dưỡng của Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam. Từ đó, cô biết tới STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). 

leftcenterrightdel
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên môn Tin học, Trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An (Sơn La) cùng đội tuyển nhà trường tham dự giải đấu “National Robotics Tournament 2022 - Giải đấu giao hữu robotics cấp quốc gia sử dụng VEX IQ”. Ảnh: HÀ THU 

Từ việc cô mày mò đi xin các bộ thiết bị KidsCode phát triển STEM đến những bài học về lập trình trên robot KC-BoT của Học viện KidsCode STEM, tất cả như luồng gió mới cho cả cô và trò. Dù chỉ là dạy chay, nhìn robot qua màn hình nhưng niềm háo hức của học trò lần đầu tiên biết viết lệnh để điều khiển được robot khiến các em rất hào hứng. Vượt qua những rào cản về địa lý và điều kiện dạy học, cô Hà đi cả nghìn ki-lô-mét theo học các khóa STEM ở Hà Nội. Từ một đơn vị không mấy tên tuổi, đến nay, trường nơi cô Hà công tác đã thuộc tốp đầu của tỉnh Sơn La, luôn ở vị trí dẫn đầu các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và năm nào cũng có đội đi thi lọt vào top 20 Cuộc thi sáng tạo của Samsung...

Qua các dự án học tập, giáo dục STEM không còn là điều gì đó quá xa vời mà hết sức gần gũi, giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống qua mỗi bài học. Đặc biệt, lần đầu tiên học sinh ở vùng khó khăn thành lập được câu lạc bộ robot. Nhờ nỗ lực kết nối và vận động tài trợ, học trò của cô Hà còn có cả những “chiến binh khủng” như robot VEX IQ, robot VEX V5 để học tập. Giờ đây, cô có trong tay 4 đội tuyển robot sẵn sàng tham dự Giải vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc vào năm 2024. Đây là điều mà nhiều trường ở thành phố lớn chưa làm được.  

Tinh thần cống hiến và vì cộng đồng là điều mà thầy Lê Hoàng Phong mang tới lớp dạy tiếng Anh tại Trường THCS Bàu Năng và THCS Chà Là (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên ở làng trẻ em SOS, Lê Hoàng Phong nỗ lực vượt qua rào cản, trở thành một trong 4 thủ lĩnh trẻ tương lai Việt Nam được lựa chọn vào chương trình kết nối các nhà lãnh đạo tương lai, một chương trình chính sách toàn cầu của Hội đồng Anh. Dù đã đặt chân đến gần 20 quốc gia và có cơ hội được làm việc trong nhiều tập đoàn nước ngoài với mức lương cao nhưng chàng trai này đã từ chối để về Tây Ninh làm giáo viên tiếng Anh, vì mong muốn dạy trẻ em những kiến thức ở chính vùng đất anh được sinh ra.

Năm 2020, thầy Phong mở doanh nghiệp xã hội lấy tên YOURE dạy tiếng Anh cho người trẻ và trích 51% lợi nhuận thu được để thành lập “Học bổng Hạnh” mang tên người mẹ đã chăm sóc, nuôi dưỡng anh từ bé. Suốt hai năm qua, “Học bổng Hạnh” đã hỗ trợ hơn 100 sinh viên lớp học online và 14 sinh viên học trực tiếp tại trung tâm, cùng 162 thẻ bảo hiểm y tế cho các em học sinh tại Trường THCS Bàu Năng và THCS Chà Là. 

Lan tỏa tình yêu thương

Gần 23 năm gắn bó với người dân vùng khó, cô Vừ Thị Pa, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, thiệt thòi khi người dân không biết chữ. Cô hiểu rằng những học viên này thường rất nhạy cảm, tự ti, ngại ngùng vì lớn tuổi mới bắt đầu học chữ. Vì vậy, cô luôn dành những lời động viên, khích lệ để giúp họ vượt qua. Cô Pa còn nghiên cứu kỹ lưỡng bài giảng, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp với từng nhóm học viên. Cô sử dụng song ngữ (tiếng Mông và tiếng Việt) để giảng dạy, giải thích những thuật ngữ khó, trừu tượng cho người học.

leftcenterrightdel
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên môn Tin học Trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An, Sơn La dẫn học sinh dự giải đấu “National Robotics Tournament 2022 - Giải đấu giao hữu robotics cấp quốc gia sử dụng VEX IQ”. Ảnh: Hà Thu 

“Có những lần, tôi đến nhà vận động học viên đi học, nhưng chờ mãi đến tối họ mới đi làm về để phân tích, động viên họ. Học viên nào bận không đi học được, tôi tận dụng ngày nghỉ của mình đến nhà dạy lại. Có những hôm học viên mang theo con đến lớp, tôi vừa dạy học, vừa trông con giúp để học viên chú tâm tập đọc, tập viết. Mặc dù khó khăn nhưng tôi thấy ấm áp vì mình đã góp phần giúp học viên biết chữ”, cô Pa chia sẻ.

Để giữ chân học trò, các giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã góp tiền, duy trì bữa ăn bán trú. Từ ngày bữa ăn được tổ chức, học sinh đã không bỏ học, tỷ lệ chuyên cần của trò cao hẳn, chất lượng giáo dục vì thế cũng tốt hơn. Vào 7 giờ 30 phút hằng ngày, bếp ăn của Trường Tiểu học xã Đăk Hà lại nhộn nhịp, đông đúc với sự có mặt của một số giáo viên. Họ tất bật sơ chế thức ăn chuẩn bị bữa trưa cho học trò. Cùng mọi người rửa rau, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường Tiểu học xã Đăk Hà có 713 học sinh, đa số là người Xơ Đăng, trong đó 404 em có chế độ bán trú. Ty Tu là một trong 3 điểm trường lẻ có học sinh khó khăn. 73 em lớp 1 và 2 không có chế độ bán trú nên sáng đi học, trưa về nhà. Nhà lại cách trường mấy quả đồi, các em hầu như tự ý nghỉ học. Không muốn tương lai các con dừng lại ở cánh rừng, giáo viên bàn nhau đóng góp tiền nấu cơm nuôi các em. Sau này, phụ huynh cũng chung tay đóng góp củi, rau củ...

Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thầy, cô giáo luôn là những người biết lan tỏa tình thương, điều tốt đẹp, những cái mới đến học trò và đồng nghiệp. 

THU HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.