Tôi rất cảm động vì mình đã ở tuổi xế chiều (90 tuổi), được thấy hồn sông núi cùng bản chất anh hùng của dân tộc ta vẫn tiếp tục tỏa rạng hết thế hệ này đến thế hệ khác.
“Tiến quân ca” được viết ra từ trái tim của một chiến sĩ cách mạng thực thụ. Văn Cao đã trực tiếp cùng Đội danh dự Việt Minh làm tròn nhiệm vụ đi diệt và cảnh cáo bọn Việt gian trong thời điểm cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã cận kề. Những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao theo thời gian đã chứng minh tính chuyên nghiệp cao, mặc dù chủ yếu ông tự học, tự nghiên cứu và đặc biệt khi vang lên, ta cảm nhận rõ có sự hiện hữu của nghệ thuật hội họa và thơ văn mang đậm cá tính sáng tạo của ông. Ở thời điểm đó, nổi bật có hai cách cấu tạo nên tác phẩm. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người tiêu biểu sáng tạo nên tác phẩm gắn liền với nguồn dân ca, từ “Chiều tù”, “Nhớ chiến khu” đến “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên”... Nhạc sĩ Văn Cao xây dựng tác phẩm trong sự ảnh hưởng của nền nhạc phương Tây như: “Chiến sĩ Việt Nam”, “Tiến về Hà Nội”, “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Trường ca sông Lô”... và đặc biệt là “Tiến quân ca”-Quốc ca của Việt Nam. Ngoài yếu tố lời ca tiếng Việt, vang lên ở điệu tính sol trưởng, “Tiến quân ca” được xây dựng trên thang âm ngũ cung: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...”. Tất cả nằm gọn trong thang âm ngũ cung (thang âm có 5 nốt xuất hiện trong nhiều thể loại âm nhạc ở khắp các nền văn hóa khác nhau): Si, rê, mi, sol, la, si, la, sol, mi, rề!
 |
Nhạc sĩ Văn Cao với “Tiến quân ca” - Quốc ca Việt Nam. Ảnh tư liệu của gia đình nhạc sĩ Văn Cao
|
Ngoài ca khúc, Văn Cao còn là một trong những nhạc sĩ khai sinh ra thể loại trường ca-một thể loại lớn rất gần với văn học. Đó là “Trường ca sông Lô” gắn với chiến thắng sông Lô lẫy lừng của pháo binh Việt Nam. Theo lời kể của họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao-con trai nhạc sĩ Văn Cao, sau chiến thắng sông Lô được mấy ngày, nhạc sĩ Văn Cao đã lên chiến khu làm báo Văn nghệ và chuẩn bị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam). Ông cùng vợ con vượt bến Then lên Phú Thọ. Để tránh bị địch phục kích, ông dắt vợ con luồn lách men theo sông Lô để đi. Ông đã chứng kiến những xóm làng ven sông bị giặc Pháp đốt phá chỉ còn lại những “nền khô trơ, than xám”; ông đã nhìn thấy những “thây giặc trôi trở về ngập bờ” trên sông Lô... Tất cả hình ảnh đó đã được Văn Cao đưa vào bài hát, thể hiện qua lời ca cũng như bố cục và chất liệu giai điệu trong “Trường ca sông Lô” bất hủ.
Trường ca gồm nhiều đoạn nhạc, đoạn 1 gồm cả phần dạo nhạc trên 16 ô nhịp 4/4. Ở điệu tính rê trưởng, tốc độ chậm rãi gợi rõ nét hình ảnh con sông thiên nhiên kỳ vĩ gắn với lịch sử hào hùng. Tiếp đến đoạn 2 điệu tính sol trưởng, tiết tấu dồn dập như những bước chân hân hoan của các chiến sĩ ta vừa giành chiến thắng ngay trên dòng sông này. Đoạn 3 tiếp nhịp 2/4-nhịp đi với điệu tính si trưởng. Xin được nhắc lại, điệu tính si trưởng không phải là điệu tính si thứ theo luật trưởng- thứ song hành. Đây là một sự sáng tạo mang rất rõ cá tính của tác giả. Ở điệu tính này mới có thể nêu bật ý nghĩa lớn lao của chiến thắng, đồng thời ở lời ca, tác giả đã nâng sông Lô lên ngang hàng với Volga và Dương Tử! Cũng trong đoạn này, tác giả đột ngột chuyển sang si thứ trong một câu nhạc để dẫn sang đoạn 4 trở lại điệu tính sol si trưởng.
Đoạn 4 là đoạn lớn nhất trong toàn bài với 64 nhịp (đoạn 3 chỉ có 48 nhịp). Toàn đoạn toát lên tính ngợi ca đầy xúc động, khẳng định chiến thắng sông Lô là nét vàng son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc ta. Với điệu tính sol trưởng, tác giả vẽ nên hình ảnh người dân nơi chiến địa trở về cuộc sống thanh bình, hăng say sản xuất trong niềm vui, niềm tự hào về chiến công hiển hách trên dòng sông, bến nước quê hương. Đoạn 4 kết thúc chuyển ngay sang câu kết của bản trường ca. Câu kết trở về điệu tính rê trưởng với tốc độ chậm rãi, gợi lại hình ảnh sông Lô đã được diễn tả trong phần dạo nhạc mở đầu bản trường ca, đúng với yêu cầu: “Thống nhất trong sự phát triển, phát triển trong sự thống nhất”-một nguyên tắc kết cấu dành cho những tác phẩm lớn, tác phẩm bác học, trong đó có giao hưởng. Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét: “Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca khúc trữ tình và ca khúc chiến đấu ở nước ta. Lời ca của Văn Cao vừa cao siêu vừa trong sáng, vừa thơ mộng vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân. Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thầy về sử dụng tiếng Việt hiện đại”.
Ngoài thanh nhạc, Văn Cao còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc dành cho piano như: “Sông tuyến”, “Biển đêm”, “Hàng dừa xa”; đặc biệt là cho nhạc phim như: “Chị Dậu” (1980), tổ khúc giao hưởng phim “Anh Bộ đội Cụ Hồ” của Điện ảnh Quân đội nhân dân...
Chúng ta rất tự hào đã có một thế hệ xây dựng nên nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với Văn Cao, các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du... mãi mãi là những người thầy của chúng tôi và các thế hệ mai sau!
Đại tá, nhạc sĩ DOÃN NHO
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.