Chất lượng bữa ăn học đường không bảo đảm, không tương xứng với giá trị suất ăn; nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có trường hợp tử vong... là thực trạng đáng buồn đã và đang diễn ra ở không ít địa phương trên cả nước, gây bức xúc trong dư luận. Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này.

Bất an... an toàn thực phẩm

 Những năm gần đây, tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm ở trường học có chiều hướng gia tăng, các vụ ngộ độc cứ “nối đuôi nhau” diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Điểm chung của các vụ việc này là ngộ độc tập thể với số lượng nạn nhân khá lớn do sử dụng bữa ăn bán trú. Có thể kể đến một số điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 17-11-2022, tại trường iSchool Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) sau khi ăn bán trú, khiến hơn 660 học sinh phải nhập viện, 1 em không may tử vong; hay vụ việc xảy ra ngày 15-11-2023, trên địa bàn TP Rạch Giá (Kiên Giang) khiến hơn 80 học sinh của 3 trường tiểu học: Mạc Đĩnh Chi, Trần Văn Ơn và Lê Văn Tám bị ngộ độc... Chị NTS, mẹ học sinh NMĐ đang học lớp 5 tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Việt Trì (Phú Thọ), bày tỏ: “Do phải học cả ngày nên phần lớn học sinh lớp con tôi đều ăn bán trú. Mặc dù ở trường chưa em nào bị ngộ độc nhưng nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các trường học trên địa bàn cả nước thời gian qua khiến phụ huynh chúng tôi thực sự bất an. Bởi nếu không quản lý chặt chẽ, rất có thể một ngày nào đó con em mình cũng sẽ trở thành nạn nhân...”.

leftcenterrightdel

Bữa ăn của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã được cải thiện sau khi sai phạm được chấn chỉnh. Ảnh: Báo Lào Cai

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 2.100 người bị ngộ độc, 28 nạn nhân tử vong. Riêng quý I-2024 xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra tháng 1-2024 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá tình hình ATTP vẫn diễn biến phức tạp, đáng báo động.

Không nằm ngoài “bức tranh” ATTP nói chung, tình hình ATTP trong trường học nói riêng cũng đang diễn biến phức tạp. Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 2019-2023, cơ quan chức năng ghi nhận trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 6 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong bếp ăn trường học, làm gần 330 người bị ngộ độc. So với giai đoạn 2014-2018, số vụ việc và số nạn nhân tuy có giảm nhưng đây vẫn là một thực tế rất đáng lo ngại, cần các giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Lo lắng về chất lượng bữa ăn

 Cùng với sự bất an về ATTP thì một nỗi lo không nhỏ của các bậc phụ huynh là chất lượng bữa ăn bán trú hằng ngày của con em mình.

Có lẽ hình ảnh hàng chục em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà (Lào Cai) tranh nhau hai gói mì tôm nấu loãng chan với cơm trong một bữa sáng, được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tháng 12-2023 vẫn còn ám ảnh nhiều người (trong khi thực đơn ghi rõ tiêu chuẩn ăn của mỗi em là 1 gói mì và 1 quả trứng). Sự việc sau đó được các cơ quan chức năng làm rõ: Bữa ăn của các em đã bị bớt xén. Việc bớt xén không những thường xuyên xảy ra ở bữa sáng mà còn ở cả bữa trưa và bữa tối! Đáng nói, các biểu hiện bớt xén tưởng như chỉ diễn ra ở các trường vùng cao, vùng xa, nơi mà phụ huynh ít có điều kiện giám sát, dân trí chưa đồng đều, thì trên thực tế còn xảy ra ở ngay địa bàn đô thị, gây bức xúc dư luận. Tháng 10-2023, nhiều phụ huynh học sinh Trường THCS Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) bức xúc khi bất ngờ kiểm tra thì thấy bữa ăn bán trú của các em trị giá 32.000 đồng nhưng chỉ “lèo tèo” một miếng giò nhỏ, một ít khoai tây, vài miếng cá rán, một ít canh giá đỗ; có ngày, thực phẩm cấp cho bếp ăn thiếu 3,5kg cá... Đơn vị cung cấp suất ăn giải thích vì người chia chưa đều và do đặt thực phẩm phát sinh nên nhân viên giao hàng bị thiếu. Tuy nhiên, lời giải thích này không được phụ huynh chấp nhận...

leftcenterrightdel

Các em học sinh bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, tháng 3-2023. Ảnh do Bệnh viện Bạch Mai cung cấp

Gần đây nhất, ngày 14-3-2024, UBND TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) ban hành Công văn số 1452/UBND-VP cho biết, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo bà VTTH, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thọ (TP Thanh Hóa) bớt xén tiền ăn bán trú của học sinh. Trước đó, nhiều phụ huynh học sinh đã gửi đơn thư cùng file ghi âm được cho là ghi âm cuộc “mặc cả” giữa đại diện đơn vị trúng thầu cung cấp suất ăn bán trú cho nhà trường và bà VTTH. Nội dung cuộc “mặc cả” thể hiện công ty đề nghị trích lại cho bà VTTH số tiền 7.000 đồng (giảm 500 đồng so với năm trước) cho mỗi suất ăn/ngày... Dư luận rất mong các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ sự việc để nếu nội dung tố cáo không đúng thì kịp thời minh oan cho bà VTTH. Ngược lại, nếu đúng sự thật, cần xử lý nghiêm minh, bởi đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn trái đạo đức, phản giáo dục.

 

TS NGUYỄN NHO HUY, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Bữa ăn học đường đủ dinh dưỡng rất quan trọng

Tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, ATTP kết hợp tăng cường hoạt động thể lực phù hợp lứa tuổi có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của học sinh. Học sinh được thụ hưởng bữa ăn học đường với các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cân đối, phù hợp không những giúp nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý như thiếu vi chất, suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì... mà còn góp phần xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh.                                                                                      

 

PHƯƠNG HIỀN (còn nữa)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.