Sĩ tử thoải mái vì đề thi môn Địa lý "dễ thở".
Các em cho biết, so với năm trước, đề năm nay dễ hơn, chủ yếu gồm các kiến thức cơ bản. Nhiều thí sinh tự tin sẽ đạt điểm 6-7 điểm dù không thi khối C.  

Các em cũng tỏ ra rất hứng thú với những câu hỏi mang tính thời sự khi đề cập đến quá trình đô thị hóa, vấn đề biển của miền Trung và xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long hay vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, phần 2 câu IV đề thi có phần mở rộng về tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua. Câu hỏi như sau: “Chứng minh rằng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế đối với việc phát triển nông nghiệp? Tại sao trong thời gian qua, tình trạng xâm nhập mặn ở đây lại diễn ra hết sức nghiêm trọng?” Các thí sinh đều cho rằng, câu hỏi này rất hay vì ngoài kiến thức sách giáo khoa thì yêu cầu thí sinh phải nắm được các thông tin trên các phương tiện truyền thông về sự kiện này cũng như các phân tích, bình luận của các cơ quan chức năng, tỉnh thành về các hạn chế của vấn đề quy hoạch thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thủy điện....

Hướng dẫn giải đề thi môn Địa lý kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại đây: huong dan mon dia ly.pdf

Đề thi môn Địa lý kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại đây:

 Đề thi môn Địa lý kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

TS Vũ Đình Hòa, Giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển nhận xét: Đề thi môn Địa lý THPT quốc gia năm 2016 có cấu trúc rõ ràng, bảo đảm đầy đủ kiến thức cơ bản, nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý lớp 12. Nhìn chung, đề thi đã giảm được việc học thuộc lòng của thí sinh. Đây là đề thi hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, thích hợp để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học.

Theo TS Vũ Đình Hòa, so với đề thi năm 2015, đề thi năm nay có mức độ phân hóa cao hơn. Các học sinh thi để xét tốt nghiệp có thể làm được 60-70% đề nhưng để lấy điểm 8,9 trở lên phải là học sinh khá, giỏi.

Đề thi có cả những nội dung gắn với các vấn đề thực tiễn đang xảy ra hiện nay như hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự hứng thú đối với thí sinh.

Ở câu I, kiến thức nằm hoàn toàn trong SGK (phần địa lý tự nhiên và dân cư), câu hỏi dễ, không cần phải tư duy để trả lời.

Câu II, thí sinh trả lời dựa hoàn toàn vào Atlat. Các em chỉ cần thành thạo kỹ năng đọc Atlat đã có thể trả lời rất dễ dàng về tên, quy mô của các trung tâm công nghiệp và các khu kinh tế ven biển theo yêu cầu của đề bài. Đây là câu dễ “ăn điểm” tuyệt đối nhất với các thí sinh.

Câu III, đề thi yêu cầu rất rõ ràng là vẽ biểu đồ tròn, đòi hỏi thí sinh phải thành thạo các kỹ năng xử lý số liệu như tính cơ cấu, tính bán kính và vẽ hình thể hiện đúng quy mô và cơ cấu từng năm. Phần nhận xét và giải thích về sự thay đổi quy mô và cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế phù hợp với các lý thuyết đã học ở phần dân cư. Với các thí sinh có kỹ năng tốt, có thể nhận xét và giải thích đầy đủ, bảo đảm yêu cầu của đề bài.

Câu IV là câu có tính phân hóa cao, đòi hỏi thí sinh vừa phải có kiến thức cơ bản vừa biết vận dụng các kiến thức đó để trả lời các ý hỏi nâng cao. Ý 1 của câu này chỉ hỏi những thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm. Thí sinh phải nắm rõ các phân ngành của ngành này mới có thể phân tích đầy đủ về nguồn nguyên liệu tại chỗ, tránh sa đà vào liệt kê các thế mạnh khác không liên quan. Ý 2, thí sinh chỉ cần tập trung phân tích thế mạnh, hạn chế về tài nguyên đất cho phát triển nông nghiệp và giải thích vấn đề có tính thời sự đang diễn ra rất nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay- hiện tượng xâm nhập mặn - ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất trong vùng.

30 thí sinh bị đình chỉ thi môn Địa lý

Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đến dự thi môn Địa lý sáng 3-7 là 430.631 thí sinh, đạt tỷ lệ 98,65% (cụm thi tốt nghiệp: 216.567, đạt 99,12%; cụm thi đại học: 214.064, đạt 98,17%).

Có 35 thí sinh vi phạm kỷ luật, trong đó: 30 thí sinh bị đình chỉ thi (cụm thi tốt nghiệp: 2 và cụm thi đại học: 28); 1 thí sinh bị khiển trách; 4 thí sinh bị cảnh cáo.


NGUYỄN THẢO - HUY ĐÔNG (thực hiện)