Đề thi Ngữ văn “dễ thở”
Tại các điểm thi, có nhiều thí sinh theo khối tự nhiên ra khỏi phòng thi khá sớm, sau khoảng 2/3 thời gian làm bài. Nhiều em cho biết cố gắng hoàn thành môn Văn sớm để dành sức cho môn thi Vật lý chiều nay, vì các em chỉ cần đạt đủ điểm xét tốt nghiệp với môn Ngữ văn.
Sau hai môn thi Toán và Ngoại ngữ vào hôm qua (1-7) được các em đánh giá là khá khó thì với đề Ngữ văn, các em có vẻ “dễ thở” hơn vì chỉ cần học kỹ, bám sát chương trình là có thể đạt được trung bình. Tuy nhiên, phần đọc hiểu (3 điểm, gồm 2 phần, với 8 câu hỏi nhỏ) thì nhiều em đánh giá là “khá khó hiểu” và mất nhiều thời gian để hoàn thành. Không giống như dự đoán của nhiều thí sinh rằng câu nghị luận xã hội sẽ nói về các vấn đề thời sự, đề Ngữ văn năm nay lại yêu cầu bàn luận về quan điểm “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí giúp họ được là chính mình”.
Các thí sinh bàn luận sau khi kết thúc bài thi môn Ngữ văn.
Em Võ Quốc Việt (Trường THPT Quảng Oai, Hà Nội) tỏ ra thích thú nhất với phần này vì theo em, quan điểm này rất hay, tuy không mang tính thời sự nhưng phù hợp với lứa tuổi thanh niên như các em. Các em có thể thỏa sức sáng tạo trong suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Hai em Lê Thùy Linh và Phùng Thị Hồng Lịch (Trường THPT Ngô Quyền, Hà Nội) thì cho rằng, đề Văn năm nay không khó lắm. Phần nghị luận văn học 4 điểm về tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân. Phần đọc hiểu cũng không khó, chỉ là kiến thức cơ bản. Còn phần nghị luận xã hội 3 điểm nói về sống hèn nhát và dũng khí. Các em này chia sẻ rất hào hứng với phần nghị luận xã hội, bởi các em được sáng tạo, viết lên những hiểu biết của mình đối với vấn đề đưa ra. Theo các em, câu hỏi nghị luận khá sát với tính cách mỗi cá nhân nên tương đối thuận lợi đối với các em, tuy nhiên cũng yêu cầu người làm phải có những dẫn chứng cụ thể và viết theo đúng cảm nhận của mình.
Cùng quan điểm như trên, em Nguyễn Như Quỳnh (Trường THPT Sơn Tây) cho biết, các thầy cô cũng tổ chức ôn luyện những dạng đề tương tự, thường hướng tới những vấn đề sống đẹp, có tính thực tiễn, liên quan đến giới trẻ trong cuộc sống nên các em cảm thấy không quá khó.
Gần gũi và ý nghĩa với cuộc sống
Cô giáo Dương Thị Mai Hương (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) và cô Đoàn Thị Thu Hà (Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) đánh giá, đề Ngữ văn năm nay thật sự rất thú vị. Theo các cô giáo, đề thi năm nay vừa sức với trình độ học sinh, bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn bảo đảm sự phân hóa rõ ràng. Những vấn đề đặt ra khá thiết thực, gần gũi và có ý nghĩa đối với cuộc sống.
Đề không thay đổi cấu trúc so với năm 2015: Phần đọc-hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm); trong phần làm văn có 2 câu: Câu Nghị luận xã hội (3 điểm) và câu Nghị luận văn học (4 điểm).
Phần đọc-hiểu vẫn tiếp tục sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa nhưng lại đề cập đến vấn đề vô cùng gần gũi và mang tính thời sự cao- vấn đề về vẻ đẹp của Tiếng Việt và lối sống của con người trong xã hội hiện đại.
Năm nay, đề ra 2 văn bản với 8 câu hỏi nhỏ. Văn bản thứ nhất là một đoạn trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ. Văn bản này không quá xa lạ đối với học sinh. Vì vậy, học sinh chỉ cần đọc kỹ đề bài và làm bài cẩn thận sẽ dễ dàng đạt điểm tối đa. Văn bản thứ hai đề cập đến một vấn đề khá nhức nhối của xã hội hiện đại là lối sống “tuyệt đối cá nhân”. Đây cũng là đoạn văn quen thuộc nhưng cách hỏi khá mới mẻ, gây hứng thú. Nếu học sinh không đọc kĩ sẽ dễ bị nhầm lẫn và mất điểm. Sự phân hóa của đề thi trong phần đọc hiểu được thể hiện khá rõ. Câu 1,2,3,5,6 dừng lại ở mức độ nhận biết, học sinh trung bình có thể làm được; câu 4,7,8 nâng lên ở mức độ cao hơn là thông hiểu, yêu cầu trình bày suy nghĩ, tình cảm, quan điểm là ở mức độ vận dụng.
Câu nghị luận đặt ra một vấn đề khá thú vị. Đó là yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến cho rằng “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”. Đây là dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý, có 2 vế đều đúng, khá quen thuộc trong các kỳ thi đại học và THPT quốc gia 2015. Học sinh chỉ cần nắm chắc kỹ năng là có thể làm tốt.
Câu nghị luận văn học là dạng đề nghị luận về một ý kiến bàn về văn học thường thấy trong các kỳ thi đại học khối C, D những năm trước. Câu này có tính phân loại vì đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản về tác phẩm mà còn phải có kỹ năng làm bài tương đối tốt để phân tích đề, lựa chọn luận điểm, chọn lọc kiến thức phù hợp với yêu cầu của đề bài. Trên thực tế, tình huống truyện “Vợ nhặt” có rất nhiều vấn đề nhưng đề chỉ hỏi một khía cạnh.
Tóm lại, đề thi năm nay có tính phân loại cao hơn so với đề thi THPT Quốc gia năm 2015. Những học sinh chỉ cần xét tốt nghiệp sẽ dễ dàng đạt điểm 5-6. Đồng thời, các trường đại học cũng có cơ hội để tuyển chọn những học sinh khá giỏi.
Cô giáo Dương Thị Mai Hương và cô giáo Đoàn Thị Thu Hà bày tỏ sự ủng hộ cách ra đề theo hướng đổi mới năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Buổi chiều, thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Vật lý trong thời gian 90 phút, với hình thức thi trắc nghiệm. Số lượng thí sinh tham dự môn thi chiều nay sẽ ít hơn nhiều so với 3 môn thi Toán, Ngoại ngữ và Ngữ văn, bởi đây là môn thi tự chọn đầu tiên trong kỳ thi hai trong một năm 2016.
NGUYỄN THẢO – HUY ĐÔNG (thực hiện)