Tại các điểm thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp xuống các phòng thi, kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, công tác tổ chức thi và động viên cán bộ các điểm thi làm tốt công tác tổ chức kỳ thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các cụm thi và yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết các tình huống phát sinh một cách tốt nhất.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi thăm động viên phụ huynh thí sinh tại cụm thi trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: DUY VĂN.

Bên lề chuyến thị sát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn nhanh.

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, qua kiểm tra trực tiếp tại các điểm thi, ông có đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi đến thời điểm hiện tại?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Qua việc trực tiếp thị sát các điểm thi và thông tin từ các hội đồng thi báo cáo, mọi công tác chuẩn bị đã chu đáo kỹ lưỡng, nghiêm túc, sẵn sàng và đúng quy chế của kỳ thi. Đến thời điểm này, công tác tổ chức kỳ thi đang diễn ra thuận lợi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc tại cụm thi Học viện Kỹ thuật Quân sự.

PV: Để tránh sự khác biệt giữa cụm thi đại học và cụm thi chỉ xét tốt nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai những phương án nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Về vấn đề này, chúng tôi đã có tính toán kỹ lưỡng từ trước. Thứ nhất, các điểm thi, cụm thi, chúng tôi đều có những điều chỉnh để bảo đảm cán bộ coi thi các trường đại học, học viện phải được trải đều ở các cụm thi. Ví dụ, đối với cụm thi chỉ xét tốt nghiệp, chúng tôi yêu cầu và cử cán bộ coi thi từ các trường đại học ít nhất là 20%. Còn các cụm thi phối hợp ít nhất là 50% cán bộ coi thi từ các trường đại học. Như vậy, giám thị coi thi có sự phối hợp giữa các trường đại học, học viện và các địa phương do Sở đứng ra tổ chức.

Năm nay, có một điểm đổi mới tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh là thi tại điểm thi gần nhất. Tổng số có 70 cụm thi xét đại học và 50 cụm thi chỉ xét tốt nghiệp, tổng số cả nước là 120 cụm thi rải đều ở các địa phương. Do đó, thí sinh tỉnh nào thi tỉnh đó. Điều này khác với năm ngoái là vài tỉnh mới có một cụm thi, do đó, thí sinh phải đi lại rất phức tạp, khó khăn.

Năm nay, chúng tôi cũng chọn phương án là tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và học sinh. Bộ đề nghị các trường đại học cử các thầy cô đến các địa điểm coi thi, tuy phát sinh chi phí đi lại một chút, vất vả cho các thầy cô nhưng xét trên bình diện tổng thể thì đây cũng là một trong những trách nhiệm của các trường đại học, cao đẳng trong quá trình tổ chức thi; và đây cũng là một nhiệm vụ để có căn cứ tuyển đầu vào. Với trách nhiệm là cơ quan Bộ, chúng tôi đã tính toán để tạo điều kiện thuận lợi nhất, động viên các thầy cô trong quá trình làm nhiệm vụ. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho thầy cô trong suốt kỳ thi.

PV: Đề nghị Bộ trưởng cho biết về hướng của đề thi năm nay và công tác chấm thi như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chúng tôi đã kế thừa, rút kinh nghiệm của những kỳ thi trước. Thứ nhất phải chuẩn hóa kiến thức cơ bản và có phân hóa rõ, bảo đảm những học sinh chỉ học những kiến thức cơ bản là sẽ đỗ tốt nghiệp. Bên cạnh đó, đề thi năm nay cũng sẽ có sự phân hóa rõ. Năm ngoái đã phân hóa rồi, nhưng năm nay sự phân hóa sẽ rõ hơn.

Thứ hai, thang điểm đánh giá cũng phải chính xác hơn. Khi chấm thi chênh nhau 0,5 điểm là phải có đối thoại giữa người chấm thứ nhất và người chấm thứ hai đối với khoa học tự nhiên; còn khoa học xã hội khi chênh 1 điểm phải đối thoại để làm sao công bằng trong chấm điểm, tránh tình trạng giám thị có thể để khung điểm dao động.

Yêu cầu năm nay là tất cả giáo viên chấm thi dù là đại học hay được mời từ THPT lên phải chấm điểm chính xác như nhau, không phân biệt; từ đó để bảo đảm một trong những yêu cầu quan trọng của kỳ thi là phải công bằng, khách quan!

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

DUY VĂN (ghi)