Trong ngày thi thứ hai, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, môn Ngữ văn có 839.165 thí sinh đến trường thi, đạt 99,6%; môn Vật lý, môn thi tự chọn đầu tiên có 362.957 thí sinh dự thi, đạt 99,7%. Đề thi hai môn Ngữ văn và Vật lý được đánh giá là sát kiến thức.

Đề thi vừa sức nhưng hơi dài

Tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau hơn hai phần ba giờ thi, đã có lác đác một vài thí sinh rời trường thi với nụ cười tươi. Trò chuyện với các em, hầu hết đều cho biết đã hoàn thành bài thi khá tốt. Nguyễn Thu Hà, học sinh Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: Mặc dù em theo học khối tự nhiên, ban đầu chỉ xác định với môn Ngữ văn cố gắng để đủ điểm điều kiện tốt nghiệp. Tuy nhiên, đề năm nay theo em là sát với kiến thức của chúng em. Vì thế, em đã hoàn thành bài thi mà không gặp nhiều khó khăn. Câu hỏi phần nghị luận xã hội đề cập đến sự hèn nhát và dũng khí cũng khá thú vị.

 
 Các thí sinh tại cụm thi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi về bài thi sau khi kết thúc ngày thi thứ hai. 

Ghi nhận của phóng viên tại một số cụm thi, điểm thi khác trên địa bàn TP Hà Nội như: Trường THPT Phan Đình Phùng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,... trong buổi sáng, nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi tốt và đều có chung nhận định, đề thi sát với kiến thức phổ thông và có cảm nhận thú vị về đề thi năm nay.

Tại các cụm thi, điểm thi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong buổi sáng hầu hết các thí sinh cũng hoàn thành bài thi Ngữ văn. Đa số ý kiến đều cho rằng, đề thi sát với kiến thức được học. Các giáo viên Ngữ văn cũng có chung nhận định. Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh) đánh giá: Đề thi không mới nhưng độ phân hóa khá cao ở hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đối với phần nghị luận xã hội, đây là đề rộng và mở. Tuy nhiên, nhìn chung đề năm nay khá “dễ chịu” đối với thí sinh. Theo tôi, thì hầu hết các em đều hoàn thiện bài thi ở mức độ khá tốt.

Đối với buổi thi môn Vật lý, đề thi năm nay được cho là hơi dài. Dù vậy, hàm lượng kiến thức đề cập đến trong đề là vừa tầm với thí sinh có học lực từ trung bình khá trở lên. Thầy Nguyễn Hoàng Quốc, Phó tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THPT Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh) nhận định: Đề thi môn Vật lý năm nay có tính phân hóa cao. Đề không có những câu lạ và quá khó mang tính đánh đố thí sinh như năm trước. Đề tập trung vào kiến thức của chương trình THPT, những câu hỏi khó thì không quá phức tạp, hoặc những câu hỏi kiến thức ở lớp 10, 11 thì thí sinh ôn tập kỹ, bình tĩnh nhận định vẫn có thể lấy điểm.

Ra về trong tâm trạng vui vẻ, thí sinh Trần Ngọc Chiến, thi tại cụm thi Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Đề thi năm nay hơi dài với 50 câu hỏi trong thời gian 90 phút. Với chúng em học chuyên Vật lý thì đây là đề thi không quá khó. Tuy nhiên với các bạn là học sinh không chuyên thì có lẽ để đạt được điểm 8 là không nhiều.

Trong ngày thi thứ hai, một số ý kiến cho rằng, đề thi môn Ngữ văn có sai sót khi trích dẫn từ bài thơ "Tiếng Việt" của Lưu Quang Vũ. Tối qua (2-7), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Đã nhận được thông tin về đề thi và đã yêu cầu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục kiểm tra, có báo cáo phản hồi.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi

Do đã làm quen với trường thi từ ngày thi đầu tiên (1-7) nên bước vào ngày thi thứ hai (2-7), đa số thí sinh đều đã quen với nhịp độ kỳ thi vì thế không có nhiều áp lực. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh trong kỳ thi đã giúp các em tự tin hoàn thành các bài thi một cách thuận lợi nhất.

Thí sinh Lê Thị Hà An được cụm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi để dự thi. 

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia, trong ngày thi thứ hai về cơ bản diễn ra an toàn, nghiêm túc, một số trường hợp thí sinh đặc biệt trong hai ngày thi (ngày 1 và 2-7) đã được các điểm thi, cụm thi tạo điều kiện tối đa giúp các em yên tâm dự thi.

Tại cụm thi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Văn Trào, Phó Chủ tịch Hội đồng cụm thi cho biết: Nhà trường đã mở cửa ký túc xá để phụ huynh và thí sinh có nhu cầu có thể nghỉ lại trong suốt kỳ thi. Một số trường hợp đặc biệt như trường hợp thí sinh ngồi xe lăn, cụm thi cũng bố trí tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em trong quá trình dự thi.

Trường hợp của thí sinh Lê Thị Hà An, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình), dự thi tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn. Hội đồng thi đã bố trí cho em và phụ huynh ở lại ký túc xá, hằng ngày đều có các tình nguyện viên đưa đón và giúp em đến phòng thi. Hội đồng thi cũng đã bố trí cho em chỗ ngồi thoải mái nhất với chiếc bàn gắn liền với xe lăn để em làm bài thi được thuận lợi.

Còn tại cụm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên-ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì, thí sinh Lê Ngọc Thanh Vy, học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) bị gãy tay, bó bột. Sau khi xin ý kiến Bộ GD&ĐT, nhà trường đã bố trí phương án cho thí sinh với một tình nguyện viên viết lại bài thi cho Vy. Hầu hết các điểm thi đều nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và người nhà trong quá trình tham gia kỳ thi năm nay.

Ngày thi thứ hai, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có mưa lớn làm ngập một số tuyến đường. Cụm thi Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng, sinh viên tình nguyện hỗ trợ thí sinh di chuyển đến điểm thi đúng thời gian, đảm bảo an toàn.

Tại tỉnh Lai Châu, địa phương có số thí sinh dự thi thấp nhất cả nước (3.405 thí sinh). Để bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho thí sinh, trong hai ngày thi, địa phương đã bố trí nhiều nơi nghỉ tại trường nội trú. Địa phương cũng hỗ trợ tiền ăn cho các thí sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách... Cũng chính vì thế, qua hai ngày thi, hầu hết các thí sinh đều có điều kiện tốt nhất để tham gia kỳ thi.

Khu vực Tây Nam Bộ, một số cụm thi như: Trường ĐH An Giang, cụm thi tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp,... trong hai ngày thi, đều bố trí các phương án đảm bảo cho thí sinh có điều kiện thuận lợi. Năm nay, tỉnh An Giang có tỷ lệ lớn thí sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới dự thi. Vì vậy, tỉnh đã bố trí tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (An Giang) các phương án bảo đảm nơi ăn nghỉ, đi lại cho thí sinh vùng sâu, vùng xa.

Cũng trong ngày hôm qua (2-7), qua chuyến kiểm tra trực tiếp một số cụm thi trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã nhận định: Năm nay các thí sinh được thi ngay tại địa phương, gần nhà nên tinh thần cũng thoải mái hơn. Nhìn chung, những đổi mới của Bộ về kỳ thi năm nay cùng với nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi tại các hội đồng thi đã có những tác động rất tích cực đối với thí sinh. Trong hai ngày thi còn lại, các cụm thi cần tiếp tục hỗ trợ thật tốt cho thí sinh yên tâm hoàn thành kỳ thi với chất lượng tốt nhất.

 Trong ngày thi thứ hai, môn Ngữ văn có 1.446 cụm thi (672 cụm thi tốt nghiệp và 774 cụm thi đại học. Số thí sinh dự thi là 839.165, đạt 99,6%; Môn Vật lý có 1.165 điểm thi (527 điểm thi tốt nghiệp, 634 điểm thi đại học). Có 362.957 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 98,7%. Ngày thi thứ hai, có 136 thí sinh vi phạm quy chế. Trong đó, khiển trách 2 thí sinh, cảnh cáo 3 thí sinh và đình chỉ thi 131 thí sinh.


Bài và ảnh:
 DUY VĂN – HÙNG KHOA – THÚY AN