“Có thể bây giờ cô không còn nhớ nữa nhưng mười mấy năm qua với em đó là một kỹ năng vô cùng giá trị được em sử dụng cho cả các bài học đến công việc đang làm hiện nay. Em cảm ơn cô rất nhiều”. Đó là những gì anh Quách Thành Quang, học sinh cũ của cô giáo Dương Thị Thu Hà chia sẻ khi trở về thăm cô.

Kiến thức mà anh Quách Thành Quang nói đến chính là sơ đồ tư duy. Thời ấy, anh và các bạn còn thắc mắc vì cô bắt làm thứ mà họ cảm thấy mất thời gian. Chỉ có qua thực tế, lợi ích của việc làm sơ đồ tư duy khi học bài mới dần rõ ràng hơn. Lợi ích ấy cũng dần rõ ràng với những sáng kiến, cải tiến mà cô Dương Thị Thu Hà đã làm với học sinh của mình.

leftcenterrightdel
 Cô Dương Thị Thu Hà và học sinh Trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa.

Năm học 2016-2017, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Giải thưởng mang tên Nhà giáo tâm huyết và sáng tạo. Thông tin về giải thưởng chưa nhiều nhưng được sự giới thiệu của công đoàn nhà trường, cô Thu Hà mạnh dạn nộp hồ sơ với suy nghĩ đơn giản theo tiêu chí thể hiện những gì mình tâm huyết và sáng tạo. Thời điểm đó dạy học tích hợp, trải nghiệm mới bắt đầu phát triển. Cô Thu Hà phát động các mô hình, dự án STEM, cuộc thi khoa học kỹ thuật ở trường... Cách đây 7-8 năm, STEM vẫn còn mới mẻ. Có cha mẹ gọi điện thắc mắc với cô rằng không thấy con ghi chép gì thì liệu có học được không? Con làm những phần việc thuyết trình hay chuẩn bị nọ kia rất mất thời gian học... Cô Hà từ tốn giải thích cho cha mẹ và cũng tự mình điều chỉnh để tìm được cách dạy phù hợp. Sau một thời gian, cha mẹ học sinh dần hiểu ra những lợi ích quý báu của cách học này và ủng hộ, đồng hành với cô. Năm đó, giáo viên dạy môn Sinh vật của Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông) giành giải thưởng. Năm thứ hai, cô tiếp tục giành giải khi cùng học sinh thực hiện đề án nghiên cứu khoa học với thiết bị giúp trẻ bị hội chứng down vận động học nói. 

Trò chuyện với chúng tôi, cô Thu Hà rất tâm đắc bởi Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo xét thưởng không phải dựa trên thành tích, bằng khen, giấy khen, mà quan tâm nhiều tới tính tâm huyết, sáng tạo, kể cả những việc làm nhỏ. Thế nhưng sáng tạo là cái mới, độc đáo, có tính giáo dục cao. Muốn sáng tạo thì phải tâm huyết, tư duy và trăn trở về điều mình muốn làm. Sáng tạo không tự dưng đến mà phải được thai nghén từ lâu. Do đó, muốn sáng tạo, giáo viên, đặc biệt trong thời buổi hiện nay, cần có tình yêu với học trò và tình yêu nghề. Hiện nay, ở vị trí quản lý, cô Thu Hà cho rằng sáng tạo ở Trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa đòi hỏi cao hơn nhiều vì mô hình nhà trường là công lập tự chủ. Việc triển khai hoạt động, học tập của học sinh nếu không có đổi mới, sáng tạo nổi bật thì khó lấy được sự tin tưởng của học sinh và cha mẹ các em. Vì thế, cô luôn triển khai các hoạt động theo hướng đúng luật, khoa học và sáng tạo nhằm giảm sự vất vả của thầy cô nhưng vẫn tạo cảm hứng cho thầy cô và học sinh.

Bài và ảnh: THANH DƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.