Chào Xuân Giáp Thìn 2024, anh đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm rồng đẹp mắt. Qua đôi bàn tay nghệ nhân, hình ảnh rồng thời Lý được nặn có mình thon, uốn khúc mềm mại. Còn sản phẩm rồng thời Nguyễn lại uy nghi, là biểu tượng của sức mạnh. Cục bột bỗng “hóa phép” thành những sản phẩm độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao. Để làm được điều đó, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã dồn bao tâm huyết và niềm đam mê với nghề truyền thống.

Nghề nặn con giống ở Xuân La có từ bao giờ không ai rõ, đời nọ nối tiếp đời kia tồn tại cho đến nay. Từ nhỏ, cậu bé Hậu đã được ngắm nhìn những con giống do ông ngoại là Nghệ nhân Đặng Văn Hạ làm ra. Cứ mỗi chiều, ngồi trên manh chiếu trước hiên nhà, ông cẩn thận dạy cháu cách nặn từng chi tiết để làm ra những con vật ngộ nghĩnh. Qua tháng năm, đôi tay đã thuần thục có thể tiếp nối cha ông làm nghề.  

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu làm ra các sản phẩm tò he rực rỡ sắc màu. 

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, anh Hậu không nhớ mình đã nặn ra bao nhiêu sản phẩm, đem bao niềm vui đến với trẻ thơ. Anh Hậu cho biết: “Nặn tò he cũng phải theo những quy tắc riêng, bảo đảm dễ làm, có tính thẩm mỹ cao, nặn người từ dưới lên trên, nặn hoa từ trên xuống dưới, con vật nặn thân trước, đầu, chân sau. Màu bột thì nhất đỏ, nhì vàng. Đây là màu chủ đạo, tạo nét sặc sỡ bắt mắt”. Nguyên liệu để nặn là bột gạo nếp pha màu tự nhiên. Sản phẩm làm xong mới đem hấp chín. Trẻ chơi những con giống có thể ăn được. Tuy nhiên bột truyền thống thì không để được lâu, dễ bị nứt và mốc. Vì thế, anh Hậu đã tìm hiểu và tạo ra loại bột có chất lượng tốt, sản phẩm sẽ để được nhiều năm.

Yêu mến văn hóa dân gian, Nghệ nhân Đặng Văn Hậu còn tìm hiểu dòng tranh Đông Hồ, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Trên cơ sở đó, anh đã sáng tạo ra các nhân vật, linh vật mang đậm nét văn hóa dân gian. Đặc biệt, anh được nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách gợi ý, tư vấn khôi phục làm con giống theo phong cách Đồng Xuân và phố Khách. Dựa vào những tư liệu và hình ảnh lưu trữ, anh bắt tay vào thực hiện. Các mẫu linh vật làm ra thực sự sống động và đẹp mắt như bộ “Tứ Linh”, “Tam Sư”, “Ngũ hổ thần quan”...

Qua đôi bàn tay tài hoa, mỗi sản phẩm tò he như được thổi hồn vào trong đó. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho hay: “Khi nặn các nhân vật trong hát bội, nhân vật chính diện thì ánh mắt nghiêm nghị, còn nhân vật phản diện mắt trợn ngược gian xảo. Nhân vật trong loại hình nghệ thuật truyền thống mặc áo cổ trang nhiều chi tiết, trong khi đó, tò he lại nhỏ nên khi làm phải rất tỉ mỉ”. Bộ sản phẩm hát bội bằng tò he sau khi hoàn thành được mang sang Hàn Quốc giới thiệu trong triển lãm di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến mặt nạ hoặc vẽ mặt ở Hàn Quốc và 10 quốc gia Đông Nam Á.

Trong suốt quá trình miệt mài làm nghề, anh giành được nhiều giải thưởng. Trong đó, danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội được công nhận năm 2014 là niềm động viên giúp anh tiếp tục đam mê với nghề làm tò he. Tìm tòi và tạo ra nhiều sản phẩm với độ phức tạp, tinh xảo, Nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã nâng tầm những con giống tò he trở thành quà tặng, vật phẩm lưu niệm có giá trị. Ẩn chứa trong mỗi sản phẩm còn là tâm sức của nghệ nhân, góp phần lưu giữ và quảng bá văn hóa dân tộc tới du khách trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: ĐĂNG KHOA

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.