Niềm vui, nụ cười của bọn trẻ cũng chính là niềm hạnh phúc, là động lực để chị Võ Thị Thanh Diệp nỗ lực sáng tạo, cống hiến không ngừng suốt hơn 35 năm qua trong công tác chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng của Thủ đô. Gắn bó với Cung từ vị trí cán bộ phòng, khoa đến Phó giám đốc phụ trách Cung Thiếu nhi Hà Nội, nay khi đã nghỉ hưu, chị vẫn thấy mình còn nhiều duyên nợ với nơi đây cùng nhiều trăn trở và dự định.

leftcenterrightdel

Chị Võ Thị Thanh Diệp luôn nhận được tình cảm yêu mến của nhiều trẻ em Thủ đô. 

Từ một giáo viên dạy giỏi Trường Mầm non B, chị Diệp chuyển về làm việc tại Cung, ở vị trí nào chị cũng tâm huyết với công việc. Trong nỗ lực "gạn đục khơi trong", kiên trì thu nạp và dung hòa cái cũ-cái mới, giữ gìn nền nếp ứng xử thanh lịch, văn minh của người Tràng An, mọi hoạt động học tập, vui chơi mà chị cùng với các chuyên gia thiết kế ra đều hướng đến việc giúp thiếu nhi phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Chị cùng đồng nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tết Trung thu cổ truyền, khích lệ tổ chức những hoạt động âm nhạc truyền thống để nhiều trẻ em cùng được tiếp cận và tham gia.

Không biết có phải do chị dành phần nhiều thời gian lắng nghe, làm bạn một cách cởi mở, chân thành mà cô bé, cậu bé nào khi nhìn thấy chị đều ùa đến, ríu rít kể chuyện, kể cả những lúc bị chị “mắng”. “Mọi mệt mỏi đều tan biến khi thấy nụ cười trên môi các con. Hạnh phúc khi các con tiến bộ. Có những con hoàn cảnh đặc biệt, ít được bố mẹ quan tâm, lê la ở Cung mỗi khi hết giờ học, tôi “dụ” vào ăn trưa và cho học những lớp trống, kèn, hát để chúng đỡ lang thang, khuyến khích các con rèn luyện bản lĩnh, nhân cách sống tốt hơn để không bị lôi kéo vào những trò dại dột”, chị Diệp chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Cung luôn là “giấc mơ và tình yêu trong suốt” của chị. Năm 2020, chị cùng Cung bước vào tự chủ tài chính khi dịch Covid-19 bùng phát. Khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng học sinh quay lại Cung không nhiều bởi sự cạnh tranh của các trung tâm tư nhân, chị và các cán bộ của Cung nỗ lực tìm kiếm những nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp cơ sở vật chất, củng cố lại bộ máy, chương trình giảng dạy, đưa thêm nhiều hoạt động mới, hấp dẫn, bám sát với chỉ đạo của ngành giáo dục. Cuối tháng 10 vừa qua, Cung đã khánh thành công trình xã hội hóa “Tôn vinh kỳ tích ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh”-đây từng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp ngày 6-3-1946. Tại sự kiện, chị Diệp ra mắt dự án do mình sáng lập “Bộ giải pháp ứng dụng chuyển đổi số” với các hạng mục: Phòng truyền thống công nghệ thực tế ảo VR-Bác Hồ với thiếu nhi; công trình đá ghi lại dấu tích lịch sử; khai trương khu rèn luyện thể lực miễn phí cho thiếu nhi Thủ đô.

Nhìn lại hơn 3 thập kỷ hết mình cống hiến cho thiếu nhi Thủ đô, chị Diệp chỉ có thể lý giải đó là tình yêu với trẻ mới giúp bà mẹ có hai con đang mắc bệnh hiểm nghèo vẫn nỗ lực, lăn lộn ngày đêm từ bệnh viện tới cơ quan để hoàn thành sứ mệnh cuộc đời mình. Giờ đây khi tuổi đã xế chiều, nghĩ đến “lâu đài tuổi thơ”, chị vẫn thầm mong có một ngày lâu đài ấy được trang điểm thành vườn cổ tích lộng lẫy, để ước mơ của mỗi thiếu nhi sẽ trở thành hiện thực trong tương lai và Cung Thiếu nhi Hà Nội vẫn mãi là niềm tin yêu của người dân Thủ đô.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.