Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936, tại Hà Nội, trong một gia đình trí thức. Năm 19 tuổi, ông được phân công lên dạy học tại Lào Cai và gắn bó với mảnh đất này hơn 20 năm. Văn hóa, con người nơi núi rừng Tây Bắc trùng điệp thấm đẫm trong những tác phẩm đầu đời của ông như: “Xa Phủ”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”... Bởi thế, nếu không biết đến tiểu sử, nhiều độc giả ngỡ Ma Văn Kháng là một nhà văn có nguồn cội nơi rẻo cao.

Sau quãng đời tha phương, ông trở về Hà Nội-mảnh đất kinh kỳ, trung tâm của đời sống văn chương nước nhà. Năm 1976, ông chuyển về Hà Nội công tác, làm việc trong ngành xuất bản, báo chí, một thời gian dài giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài, Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Hội Nhà văn Hà Nội trao thưởng “Thành tựu văn học trọn đời” tặng nhà văn Ma Văn Kháng (thứ hai, từ trái sang). Ảnh: TUẤN LINH

Cùng với bước chuyển về đời sống, công việc, văn chương Ma Văn Kháng cũng có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Các tác phẩm viết về miền núi với văn hóa, chuyện đời đồng bào dân tộc thiểu số dù tạo ra được ấn tượng nhất định nhưng người đọc vẫn chưa thấy nhiều điều mới mẻ. Tác phẩm ở mảng đề tài này của ông vẫn mang nhiều dấu vết ảnh hưởng các nhà văn đi trước. Sự thay đổi trong nghiệp văn đến khi ông viết về đời sống thị dân Hà Nội, đặc biệt là giai đoạn đất nước tiến hành đổi mới. Ông là một trong những nhà văn sớm nhận ra và cảnh báo về mặt trái kinh tế thị trường, làm rạn nứt những giá trị truyền thống văn hóa, nhân văn tốt đẹp của dân tộc. Với tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” chỉ phản ánh đời sống trong một gia đình ở Hà Nội, Ma Văn Kháng đã phác họa những biến động trong xã hội ở giai đoạn hậu chiến tới gia đình-tế bào của xã hội.

Ma Văn Kháng là mẫu hình nhà văn đa năng, không chỉ là nhà văn tài hoa mà còn là tấm gương kỷ luật trong sáng tạo. Ngoài sở trường viết tiểu thuyết và truyện ngắn, ông còn viết phê bình văn học, bút ký chính luận, hồi ức... Trong 6 năm gần đây, dù tuổi cao sức yếu, nhà văn Ma Văn Kháng đã xuất bản hai cuốn sách bút ký chính luận thể hiện tình cảm sắt son với Đảng. Với giọng kể gần gũi như tâm tình, giản dị, thân thuộc, văn phong nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng sắc gọn, mạch lạc, cuốn hút, chú trọng nội dung, những bài bút ký của ông thấm sâu như những lời nhắc nhở, cảnh tỉnh về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân, mà trên hết là người cán bộ, đảng viên.

Những tác phẩm phê bình văn học của ông cũng vậy, thường không sa vào lý luận hàn lâm, xa lạ với độc giả rộng rãi. Các bài viết đơn giản là đúc kết kinh nghiệm hàng chục năm dấn thân với con chữ và truyền đạt lại không chỉ là kỹ thuật mà còn là tình yêu với văn chương cho hậu bối.

Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2012 là ghi nhận giá trị xuất sắc của tác phẩm ông để lại cho cuộc đời. Việc Hội Nhà văn Hà Nội tặng thưởng “Thành tựu văn học trọn đời” vinh danh nhà văn Ma Văn Kháng thêm một lần nữa ghi nhận, khẳng định: Ông là nhà văn lớn của văn chươngViệt Nam hiện đại.

HÀM ĐAN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.