Trước đó, sáng cùng ngày, thông tin về bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ Giáo dục của ông vừa bị 15/15 thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia xếp loại "Không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1", một số vấn đề kỹ thuật, trình bày.

GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ tại buổi trò chuyện. Ảnh: Thu Hà

Ngoài sách giáo khoa Công nghệ giáo dục, có 5 bộ sách giáo khoa đầy đủ các môn của lớp 1 được đăng ký thẩm định trong đợt đầu tiên.

Theo quy định, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ có ba mức xếp loại "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa" và "Không đạt". Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục môn tiếng Việt, Toán bị xếp "Không đạt" trong đợt thẩm định này.

Trước đó, sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1 là đề tài khoa học cấp Nhà nước, từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS Hồ Ngọc Đại. Sách này được áp dụng vào dạy học ở trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội và triển khai ở nhiều nhà trường trong 40 năm qua, với 931.000 học sinh được học.

Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1 cũng trải qua nhiều lần thẩm định bởi hội đồng thẩm định quốc gia. Lần mới nhất là tháng 7-2018, hội đồng thẩm định quốc gia đã yêu cầu nhóm biên soạn chỉnh sửa một số nội dung và kết luận nếu được chỉnh sửa thì tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục có thể là phương án lựa chọn cho học sinh và giáo viên trong tương lai.

Việc sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục, trong đó có tiếng Việt, không vượt qua vòng thẩm định để sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới có thể sẽ gây xáo trộn lớn ở những địa phương đã triển khai thành công trong các năm qua.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ ngọc Đại. Ảnh: Thu Hà

Chia sẻ về điều này, GS Hồ Ngọc Đại cho biết ngay sau khi được Hội đồng thẩm định công bố loại khỏi vòng 1, ông đã ra về và không có ý kiến gì.

“Hội đồng hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi bảo không. Tôi không bất ngờ vì bộ sách bị loại”, GS Hồ Ngọc Đại cho biết.

GS Hồ Ngọc Đại và nhóm biên soạn cho rằng đánh giá của hội đồng chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa còn cứng nhắc, cơ học.

Việc đánh giá chương trình của tôi có hiệu quả hay không, căn cứ vào việc có đem lại lợi ích cho trẻ hay không. Mỗi giờ học đem lại cái gì mới cho trẻ con, thể hiện sự hiệu quả ngay sau mỗi bài giảng chứ không đợi đến cuối kỳ, GS Hồ Ngọc Đại nói.

“Tôi đã hoàn thành bộ sách như bản di chúc nghiệp vụ giáo dục của đời mình. Công trình đã hoàn thành và căn cứ vào trẻ em và lấy trẻ em hiện đại làm chuẩn. Đây là sản phẩm của Nhà nước đầu tư 50 năm qua. Quyển sách không được dùng, không còn là việc của tôi nữa, tôi không thể xử lý được”, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ khi được hỏi làm thế nào để bộ sách được sống khi không được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông mới.

GS Hồ Ngọc Đại cho rằng hoàn cảnh đổi mới căn bản giáo dục hiện nay thực sự làm là cơ hội vàng của đất nước và ông hy vọng sự đổi mới đó sẽ theo nguyên tắc, nguyên lý chứ không phải vì dự án.

KHÁNH HÀ