Cho đến một ngày, con gái đề nghị được đến gặp bác sĩ tâm lý, chị mới thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Hóa ra, cháu gặp phải hội chứng rối loạn lo âu từ lâu, và dịch Covid-19 đã làm sự việc diễn tiến nhanh hơn.

Buồn là hiện nay không ít học sinh có biểu hiện giống con chị Hoàng An. Các cháu phải đối mặt với những vấn đề tâm lý như stress-căng thẳng thần kinh, trầm cảm, rối loạn tinh thần, hội chứng ngược đãi bản thân (Self-harm)... Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong những năm gần đây, vấn đề về tâm lý học đường đang tăng ở học sinh do nhà trường và gia đình đặt nặng thành tích học tập.

Thêm vào đó, áp lực của xã hội cũng khiến trẻ tự đặt cho bản thân mục tiêu cao và dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, bi quan khi không đạt được thành tích như mong muốn. Dịch Covid-19 càng khiến nhiều em gặp những sang chấn nghiêm trọng, nhất là các gia đình mất đi người thân. Các em nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nhẹ thì chán học, bỏ học, nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường, thậm chí tự tử.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Báo Sức khỏe và Đời sống 

Trước những vấn đề đó, các cấp quản lý giáo dục đã thúc đẩy sự quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18-12-2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Tuy mỗi địa phương đã có những bước đi và cách làm khác nhau, nhưng nhìn chung công tác này vẫn còn nhiều khoảng trống, chủ yếu theo hướng... dự án. Hoạt động tư vấn tâm lý học đường từ mô hình tổ chức lẫn quy định về chuyên môn, biên chế, chế độ chính sách phần lớn đang trong giai đoạn “mò mẫm”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở Hà Nội chỉ có hơn 20 trường trung học tổ chức hoạt động này khá bài bản trong vài năm qua như: Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường liên cấp Đoàn Thị Điểm, Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành...

Theo các chuyên gia tâm lý, tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ ngày càng phổ biến, đặc biệt trong đại dịch, một số nhóm là khẩn cấp. Nếu trì hoãn hỗ trợ và trị liệu tâm lý kịp thời đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ, sẽ khiến mức độ tổn thương nghiêm trọng hơn trong tương lai. Trẻ cần thầy cô và phụ huynh dành nhiều quan tâm đến đời sống tinh thần, chứ không chỉ sức khỏe thể chất và kết quả học tập. Bởi vậy, cùng với phương án cho học sinh đến trường trở lại, rất cần những phòng tư vấn tâm lý học đường đúng nghĩa để đồng hành với học sinh, giúp các em vượt qua khó khăn, thích nghi và ứng phó với điều kiện bình thường mới trong đại dịch.

KHÁNH HÀ