Bên cạnh những khó khăn nội tại mà người theo nghề buộc phải chấp nhận, còn không ít nút thắt trong cơ chế, chính sách khiến nhiều ngành đang có nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật truyền thống dân tộc. Để gỡ vướng, các trường đang rất cần có cơ chế đặc thù vực dậy lĩnh vực này.

“Đãi cát, tìm vàng”

 Khó tìm việc, khó đào tạo, thiếu hụt lớp kế cận, người nghệ sĩ khó chuyên tâm vào nghệ thuật do không thể chỉ sống bằng nghề... là những rào cản khiến nhiều năm nay các cơ sở đào tạo VHNT vẫn luôn trong tình trạng thiếu thí sinh dự thi.

Tìm nguồn tuyển đã khó, chọn được thí sinh trúng tuyển càng khó hơn. Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu năm, cán bộ Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam phải chạy đôn đáo từng tỉnh, từng trường tìm kiếm, chiêu mộ tài năng trong độ tuổi 11-18.

Theo quy định, các thí sinh trải qua 3 vòng thi: Sơ tuyển, chung tuyển và phúc tuyển. Năm học này, từ hơn 6.000 hồ sơ sơ tuyển, qua 3 vòng thi nhà trường chỉ chọn được 34 hồ sơ trúng tuyển. Nhưng đến ngày nhập học, số học sinh tuyển được chỉ còn 21 em.

Chia sẻ về những khó khăn này, ThS Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết: "Nghề xiếc là ngành hiếm, đặc thù, khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu nên được nhiều chế độ ưu tiên. Tuy nhiên, không mấy gia đình cho con em mới 11 tuổi xa nhà đi học những ngành khó, khổ như thế. Thời gian đào tạo dài, lên tới 7 năm trong khi thời gian làm nghề rất ngắn, chịu sự đào thải khắc nghiệt, lương chỉ là hạng 4 (trung cấp). Một số ngành như nhào lộn, thăng bằng tuổi nghề có khi chỉ qua 19-20 tuổi đã hết".

Câu chuyện “khát” thí sinh cũng xảy ra với trường có nhiều ngành “hot” như Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội. Mấy năm nay, công tác tuyển sinh các chuyên ngành kịch hát dân tộc như: Diễn viên chèo, tuồng, cải lương, sân khấu rối... rơi vào tình trạng rất èo uột. Năm học này, trường chỉ tuyển sinh được 20 diễn viên chèo, còn chuyên ngành diễn viên cải lương, tuồng không có học viên đăng ký.

Lý giải tình trạng này, PGS, TS, NGND Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cho biết: "Đối với các ngành mang tính đặc thù cao như ngành nghệ thuật truyền thống, trong quá trình theo học được hưởng một số chế độ đặc thù, nhưng thực tế học viên khi tốt nghiệp về các nhà hát lại rơi vào cảnh làm “vạ vật”, không có biên chế nên rất khó thu hút. Trường xuống tận địa phương tuyển trung cấp chèo, tuồng; rất nhiều thí sinh có năng khiếu nhưng gia đình không cho theo học. Bởi học rồi cũng chẳng để làm gì".

leftcenterrightdel
Diễn viên tuồng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội tham gia một vở diễn. Ảnh: THÀNH NGHIỆP 

Với chức năng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống, đặc biệt là các di sản âm nhạc được UNESCO công nhận, như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên... nhưng Học viện Âm nhạc Huế, hiện tại, ngoài hai chuyên ngành piano và thanh nhạc có đông người theo học, các ngành khác cũng gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Đặc biệt, chuyên ngành nhã nhạc nhiều năm liền không tuyển sinh được.

TS Hà Mai Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết: “Nguyên nhân do học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm. Các đoàn nghệ thuật, nhà hát truyền thống, nhà hát cung đình không có nhu cầu tuyển nhạc công. Huế cũng chưa có nhà hát giao hưởng”.

Chờ “thông” nghị định để cởi những nút thắt

 Chính thức có hiệu lực từ năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm mục tiêu chung đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo... nhưng khi áp dụng vào lĩnh vực nghệ thuật lại đang tạo ra vô số bất cập. Mới đây, hàng loạt các trường đào tạo nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã đồng loạt kêu cứu xung quanh những “rối ren” này.

Gặp nhiều khó khăn chính nút thắt từ luật, ThS Ngô Lê Thắng chia sẻ: “Trước đây, theo chức năng nhiệm vụ mà Bộ VHTT&DL giao, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam có Khoa Văn hóa phổ thông, có mã định danh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Toàn bộ chương trình giảng dạy, kiểm tra theo hướng dẫn của phòng, sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), gọi chung là “hiệp quản”.

Nhưng nay, theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định các trường nghề không tổ chức dạy văn hóa và trực tiếp cấp bằng tốt nghiệp trung cấp như trước mà phải liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDTX). Đào tạo trong lĩnh vực đặc thù, học viên được hưởng những chế độ ưu tiên của Nhà nước, sau khi miễn giảm 70% học phí, họ chỉ phải nộp 50.000 đồng/tháng.

Nhưng nay nếu học văn hóa ở các trung tâm GDTX, học sinh phải nộp thêm khoản học phí cho các trung tâm này. Rồi, có những thời điểm phục vụ các sự kiện lớn của Nhà nước, học viên phải luyện tập cả tháng trời tại sân vận động, nếu theo khung thời gian chương trình “cứng” của các trung tâm này thì học viên trượt hết. Điều này càng khiến trường khó hơn trong tuyển sinh”.

Trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quyền lợi của người học, ngày 3-11-2021, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 5047/BGDĐT-GDTX cho phép các trường nghệ thuật thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cho học viên khóa 2021-2022 trở về trước.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giải quyết được phần ngọn. Hiện, Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL đã nhất trí cho Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Việt Nam, Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội và Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam xây dựng đề án thành lập thí điểm trung tâm GDTX trên cơ sở khoa văn hóa phổ thông của trường.

Tuy nhiên, “nếu dự thảo nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được thông qua và có sự đồng ý của Bộ GD&ĐT, thì vấn đề này cũng sẽ được giải quyết bền vững trong nghị định”, ông Ngô Lê Thắng cho biết.

Theo quy định, không có ngành nào quy định dạy trung cấp 9 năm. Quy định không sai nhưng không đúng với ngành nghệ thuật đặc thù. Ví dụ, số tiết học của học viên theo ngành xiếc lên tới gần 6.000 tiết trong toàn khóa, nếu áp dụng quy định toàn khóa trung cấp chỉ được dạy khoảng 1.800 tiết thì sẽ không thể có học viên tốt nghiệp những ngành này. Bởi vậy, dự thảo nghị định sẽ giúp các trường không “vi phạm” quy định so với luật mới.

Theo TS, NSƯT Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Múa là lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, phải đào tạo từ nhỏ, lúc 6 tuổi hay muộn là 10 tuổi, đi từ sơ cấp đến trung cấp, trung cấp chuyên nghiệp rồi lên cao đẳng, đại học. Nhưng luật không cho phép các học viện làm điều này. Nếu 18 tuổi mới tuyển sinh và đào tạo diễn viên múa trình độ đại học thì không thể bởi cơ thể đã cứng.

Diễn viên múa phải học 3-7 năm nhưng tuổi nghề khá ngắn, khoảng 35 tuổi là phải chuyển nghề. Do đó việc thay đổi diễn viên diễn ra thường xuyên. Để có nguồn, nhà trường phải đào tạo từ bậc sơ cấp, trung cấp. Nếu giờ chỉ đào tạo đại học, tức tập trung vào biên đạo múa, huấn luyện viên, các nhà hát mang tầm quốc gia, nơi thường tuyển diễn viên chuyên nghiệp, nhân lực chất lượng cao từ trường múa, sẽ không thể tuyển được.

Đồng quan điểm, PGS, TS, NGND Nguyễn Đình Thi cho rằng: Do đặc thù ngành nghề, các trường nghệ thuật rất cần duy trì hệ đào tạo từ trung cấp lên đại học để duy trì nguồn tuyển. Nếu có một nghị định quy định chung trong các trường VHNT được đào tạo trung cấp thì những đề án đào tạo theo yêu cầu xã hội sẽ không bị vướng khi triển khai.

Dự thảo là sự mong chờ của tất cả các trường bởi giải quyết được phần lớn những vướng mắc còn tồn đọng của các khối trường thể dục- thể thao, du lịch, mỹ thuật và nghệ thuật thuộc Bộ VHTT&DL quản lý. Dự thảo điều chỉnh chi tiết đến tận các trường, từ chế độ cho người học đến chính sách, chương trình học tập và chế độ của nhà giáo...

Hy vọng những điểm mới trong dự thảo nghị định nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo đặc thù lĩnh vực nghệ thuật, TS Hà Mai Hương chia sẻ: “Nghị định sẽ góp phần thu hút được người học ở một số ngành khó tuyển. Do có những chính sách ưu đãi về học phí, học bổng và đặc biệt một điểm rất mới đó là chính sách hỗ trợ việc làm dành cho những trường hợp tốt nghiệp loại giỏi trở lên hoặc đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho không chỉ Học viện Âm nhạc Huế mà cả Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh có thể giữ được sinh viên giỏi, nâng chất lượng đào tạo”.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông: Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành và tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho hoạt động đào tạo VHNT phát triển, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành.

Tuy nhiên, thời gian qua đã bộc lộ những bất cập cần phải tháo gỡ bằng cơ chế chính sách và hành lang pháp lý phù hợp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL đã tổ chức đánh giá hoạt động đào tạo VHNT đặc thù, làm căn cứ cho việc xây dựng nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo, bảo đảm tính cạnh tranh cao hơn, thu hút người học đông hơn.

THU HÀ