Suốt mấy tháng nay, nhà trường quy định học ở một phần mềm trong nước, nhưng cứ học 10 tiết thì hầu hết cô trò phải chuyển qua một phần mềm thông dụng khác, còn đầu và cuối mỗi tiết vẫn phải vào hệ thống kia để điểm danh. Chị than “tội nghiệp học sinh lắm, học online cũng được nhưng đừng vì này kia mà bắt các con học bằng những phần mềm chưa thực sự phù hợp”.

Hiện nay, có rất nhiều phần mềm được giáo viên sử dụng để dạy và hỗ trợ học online như: Zoom, Microsoft Team, Google meet, K12 online, Azota... Trên thực tế mỗi phần mềm đều có tính năng và đáp ứng yêu cầu cơ bản để phục vụ dạy học. Một số phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến thường có bản quyền, người dùng phải trả phí mới được sử dụng hết các tính năng. Bởi vậy, một số trường đã đầu tư mua, trong khi không ít trường vẫn tiết kiệm, lựa chọn bản miễn phí, chấp nhận những hạn chế của ứng dụng như đường truyền không ổn định, bị khống chế thời gian sử dụng, người dùng bị “văng” ra ngoài thường xuyên... 

 Học online. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản

Cùng với đó, nhiều đơn vị trong nước cũng nghiên cứu, phát triển các ứng dụng đáp ứng yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, khi phần mềm chưa thực sự ổn định và hiệu quả, họ vẫn mang đến mời chào các trường với những “ưu đãi” kèm theo. Kết quả là khi dạy học, cả cô và trò loay hoay mãi không thể tổ chức lớp học ảo trên đó được, cô đành gửi đường link phần mềm khác để dạy. Còn phần mềm nội kia chỉ để vào đó điểm danh, lấy bài tập về chứ không dùng lâu được. Nhà trường vì trót mua rồi nên chỉ biết gọi nhà cung cấp đến sửa lỗi, khiến cả ban giám hiệu, giáo viên, học sinh đều khổ với việc học.

Ở giai đoạn một hình thức học mới bắt đầu, việc có một phần mềm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của hoạt động dạy và học trực tuyến sẽ khó khả thi nên rất cần sự linh hoạt của các trường. Dựa vào năng lực giáo viên và điều kiện học sinh, hoạt động dạy học cần lựa chọn phần mềm học chính cũng như kết hợp các phần mềm hỗ trợ sao cho hiệu quả, phù hợp nhất. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành giáo dục nên hướng tới một phần mềm dùng chung, nhất quán, đáp ứng được các tính năng cơ bản của một hệ thống quản lý học tập trực tuyến như: Tổ chức học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; quản lý hồ sơ, tiến trình học tập của học sinh và các hoạt động dạy của giáo viên; liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý nhà trường hay cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; giúp phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập của con em mình và học sinh có thể học tập mọi nơi, mọi lúc...

KHÁNH HÀ