Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan mật thiết đến phát triển văn hóa đọc đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Quan trọng nhất là đã xác định hướng đi, bước đầu có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo với mục tiêu tăng số lượng người đọc, tăng thời gian đọc, đặc biệt chú trọng hình thành thói quen ham đọc trong giới trẻ.

Chưa đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm     

Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ngành xuất bản Việt Nam đạt kỷ lục mới: Số đầu sách xuất bản là 37.000, doanh thu đạt 4.326 tỷ đồng. So với năm 2014, số đầu sách tăng 30%, doanh thu tăng 36%. Suốt gần hai năm qua, toàn ngành xuất bản nỗ lực vượt khó.

Trong năm 2020 và năm 2021, con số về đầu sách và doanh thu đều xấp xỉ đạt hơn 92% so với năm 2019, có nghĩa là mức giảm không đáng kể, mặc dù chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19.

leftcenterrightdel
 Học sinh Trường THCS Hoàn Kiếm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đọc sách trong thư viện nhà trường. Ảnh: THANH TÙNG

Có được thành tích kể trên, theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông: “Ngành xuất bản đã nhanh chóng thích ứng chuyển đổi số, thương mại điện tử (TMĐT) được đẩy mạnh tạo thuận lợi cho mua bán xuất bản phẩm.

Ngoài ra, nhiều đơn vị làm sách cũng nỗ lực nâng cao chất lượng một số mảng sách trước đây ít được quan tâm đầu tư như sách lịch sử, sách khoa học... đồng thời, tăng cường quảng bá xuất bản phẩm trên internet, tiếp cận gần hơn với độc giả”.

Thực trạng kinh doanh, mua bán xuất bản phẩm vài năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, TMĐT đã chiếm thế thượng phong. Những người ham mê đọc sách đã hình thành thói quen mua sách qua các ứng dụng TMĐT, như: Tiki, Shopee, Lazada... thay vì phải đến các nhà sách, hiệu sách.

Bên cạnh lý do tiện lợi trong lựa chọn sản phẩm, giao dịch nhanh gọn, quan trọng là chiết khấu rẻ hơn, chất lượng sách được bảo đảm. Tuy nhiên, tác động của đại dịch dù sao vẫn khiến tăng trưởng của ngành xuất bản chững lại, một số điểm yếu tồn tại nhiều năm vì thế lại càng chậm được khắc phục.

Điển hình là số lượng bản sách trên đầu người chưa được cải thiện. Năm 2019, số lượng bản sách đạt kỷ lục 440 triệu bản sách nhưng trong đó có 300 triệu bản sách giáo khoa (SGK), giáo trình. Như vậy, mức hưởng thụ sách không tính SGK, giáo trình chỉ đạt 1,4 bản sách/người/năm, không đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm như Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (năm 2004) đã đề ra.

Qua các số liệu kể trên, có thể thấy, ngành xuất bản vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phấn đấu làm ra nhiều đầu sách, bản sách, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc, góp phần cải thiện văn hóa đọc.

Mới có 30% số người đọc sách thường xuyên và chỉ đọc 1 giờ mỗi tuần

Bên cạnh sự uy hiếp của vấn nạn sách giả, lý do khác để các đơn vị làm sách dù in nhiều đầu sách nhưng không dám tăng số bản sách, vẫn chỉ quẩn quanh 1.000-3.000 bản sách/đầu sách bởi lẽ lượng người đọc, thời gian đọc sách chưa tăng lên nhiều.

Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% số người không đọc sách và 44% số người thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho việc đọc sách của người Việt Nam trung bình mới đạt khoảng 1 giờ/người/tuần. Đây đều là những con số thấp nếu so sánh với các nước trong khu vực.

leftcenterrightdel
 Học sinh Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong lễ phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc TP Hà Nội lần thứ nhất - năm 2021, tháng 6-2021. Ảnh: THANH TÙNG

Như vậy, gia tăng số lượng người đọc, thời gian đọc sách là mấu chốt để cải thiện văn hóa đọc. Hiểu được điều này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cùng nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị vẫn cố gắng tổ chức rất nhiều cuộc thi, giải thưởng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, như: Giải thưởng Sách quốc gia; các cuộc thi: Đại sứ văn hóa đọc, Giới thiệu sách trực tuyến, Viết lời giới thiệu sách, Khoảnh khắc cùng sách...

Trong đó, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu tiên phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quân, thu nhận được 89.149 bài dự thi.

Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL cho biết: “Thông qua các cuộc thi, giải thưởng là cách trực tiếp giúp văn hóa đọc không bị suy thoái; tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với sách trong nhân dân. Đặc biệt, cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến là ý tưởng đột xuất, được tổ chức trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất năm 2021. Cuộc thi nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhiều cá nhân, tổ chức trên cả nước, nhất là học sinh, sinh viên. Từ đó, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm, càng phải nỗ lực, sáng tạo nhiều hoạt động lan tỏa niềm đam mê với sách, góp phần chấn hưng văn hóa đọc”.

Lãnh đạo không ham đọc, lớp trẻ sao ham mê?

Để chấn hưng văn hóa đọc, không chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm, nỗ lực của Bộ VHTT&DL. Theo khảo sát Trung tâm sách Quốc gia, Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp thực hiện tháng 7-2021, việc đọc sách phụ thuộc vào truyền thống kế thừa từ thời thơ ấu, 20% người Pháp có cha mẹ không bao giờ đọc sách là những người không đọc sách giống như cha mẹ của họ, trong khi 36% người Pháp mà cha mẹ thường đọc đã trở thành những độc giả ham đọc sách...

Đó là lý do của 85% người Pháp mua sách như một món quà, 69% trong số đó dùng để tặng trẻ em. Tiếc là chúng ta chưa tiến hành những khảo sát xã hội học kỹ lưỡng liên quan đến văn hóa đọc để nắm bắt, sâu sát thực tế. Nhưng rõ ràng, trong trường học, trong gia đình, trong công sở, thầy cô giáo, bậc làm cha mẹ, lãnh đạo đơn vị không khuyến khích đọc sách, không tự mình đọc sách, không lan tỏa niềm đam mê với sách thì khó có chuyển biến về văn hóa đọc trên diện rộng, lẫn bề sâu.

Theo các chuyên gia về văn hóa đọc, Việt Nam hiện nay đang có dân số trẻ. Vì vậy, để chấn hưng văn hóa đọc, phải bằng mọi cách để càng nhiều người trẻ dành nhiều thời gian đọc càng tốt. Trong đó, đối tượng cần đặc biệt chú ý là người dưới 16 tuổi.

Nếu hình thành thói quen đọc sách sớm thì dù đến tuổi trưởng thành, bận rộn thế nào cũng sẽ dành thời gian nhất định cho việc đọc. Đành rằng, không phải ai đọc sách nhiều cũng sẽ trở thành người thành đạt, nhưng chí ít sẽ giúp đời sống tinh thần, lành mạnh hơn, tránh xa các tệ nạn xã hội. Bởi lẽ, theo chính khảo sát Trung tâm sách Quốc gia, Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp thực hiện kể trên, 31% người Pháp được khảo sát đưa ra lý do của việc đọc sách là để tránh sa đà lên các mạng xã hội vô bổ.

Chấn hưng văn hóa đọc còn cần hành động thiết thực khác như sớm cho ra đời quy định về giá sách, hạn chế và đẩy lùi sách giả, củng cố và phát triển mạng lưới thư viện công cộng, nâng tầm thư viện học đường, tủ sách lớp học, đa dạng hóa hình thức đọc, nhất là các loại sách điện tử, sách nói...

Bằng kinh nghiệm vượt khó trong năm 2021, tin rằng, với sự đồng lòng chung tay của toàn xã hội, sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, văn hóa đọc ở nước ta sẽ dần được cải thiện, xã hội ta sớm trở thành xã hội học tập, góp phần xây dựng đất nước hùng cường.

HÀM ĐAN