Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vừa công bố Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023.

Theo đó, trong số 31 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp được ghi nhận dữ liệu từ năm 2019, duy nhất Việt Nam có hầu hết trẻ em đạt trình độ thông thạo tối thiểu hoặc cao hơn về đọc hiểu, làm toán khi kết thúc bậc tiểu học. Ngược lại, 18/31 quốc gia có chưa đến 10% trẻ em đạt mức thông thạo tối thiểu về đọc hiểu hoặc làm toán. Đây thực sự là con số đáng mừng và tự hào.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Bộ Giáo dục

Những năm qua, mặc dù là quốc gia đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về thành tích giáo dục, phổ cập giáo dục so với các nước có mức thu nhập tương đương.

Những kết quả này cũng như nhiều đánh giá khác từ các tổ chức uy tín trên thế giới cho thấy chúng ta đã và đang có những bước tiến trong giáo dục-đào tạo, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Thế nhưng kết quả này cũng không thể làm chúng ta quên một chuyện đáng lưu tâm: Lao động Việt Nam chưa được đánh giá cao trong thị trường lao động thế giới.

Biết đọc, biết viết, biết làm toán mới chỉ là bước đầu của con đường học tập. Còn cả một chân trời kiến thức trước mắt mà học sinh, sinh viên cũng như mỗi người trong chúng ta cần tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện. Mặc dù lao động Việt Nam được đánh giá là thông minh, cần cù, khéo léo, có trình độ, học vấn khá cao so với mức thu nhập quốc dân, tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ của thế giới nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, khi hầu hết kỹ năng mềm của lao động Việt Nam nằm ở mức trung bình hoặc yếu, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo. 

Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là công tác giáo dục-đào tạo chưa thực sự phù hợp. Lao động trong nước vẫn chủ yếu là lao động phổ thông. Hoạt động vẫn chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, cơ cấu nhân lực lao động còn nhiều bất cập. 

Để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cần đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo ngoại ngữ, làm việc đội/nhóm, rèn luyện kỷ luật... để hội nhập với thị trường lao động khu vực cũng như thế giới.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các trường, các cơ sở đào tạo đổi mới phương thức đào tạo, làm sao gắn việc đào tạo với thị trường, gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để sản phẩm của đào tạo phục vụ luôn được cho doanh nghiệp.

Xác định rõ việc xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của những nhà hoạch định; việc tổ chức, thực hiện chính sách là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Hướng đến nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người, nuôi dưỡng ước mơ phấn đấu trở thành công dân toàn cầu, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao.

HIỀN VINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.