Người học và các cơ sở đào tạo hiện thường ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Điều này đang trở thành rào cản lớn trong thu hút đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam.

Thời cơ đi vào lĩnh vực cốt lõi

Hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó, lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Khóa học “Học lập trình với Scratch” do Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) tổ chức. Ảnh: TÙNG HẢI

PGS, TS Nguyễn Đức Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, hiện Việt Nam có 5.000 kỹ sư, nhu cầu mỗi năm tăng 10-15%, trong đó chủ yếu là kỹ sư thiết kế (vật lý, layout), kiểm thử (DV). Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD. Năm 2023, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới hiện nay của Đài Loan là TSMC cần tuyển thêm 6.000 kỹ sư sản xuất bán dẫn. Samsung đang có khoảng 10.000 kỹ sư làm R&D (nghiên cứu và phát triển). Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm.

Đứng trước thời cơ thực hiện giấc mơ chip bán dẫn của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Thời cơ đã chín muồi, một sứ mệnh, trách nhiệm đặt lên vai toàn bộ hệ thống giáo dục đại học. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số 1 trong các chỉ đạo chuyên môn của phần giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và những năm sau”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhìn nhận “câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, khó khăn còn chồng chất phía trước. Chúng ta đừng tự lạc quan; cũng đừng nghe vậy rồi mai tất cả cùng tuyển sinh, đào tạo. Chúng ta có trí tuệ, có dữ liệu, có kế hoạch, với quyết tâm cao nhưng phải có lộ trình, bài bản, chắc chắn”.

Cần các giải pháp đột phá

Những năm qua, Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0-AI, Bigdata...

Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. 3 lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hằng năm mạnh nhất là máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), công nghệ kỹ thuật (10,6%). Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn-vi mạch.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn-vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy đề xuất 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ, khuyến khích người học, để nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào như chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi... nhằm thu hút ít nhất 1.000 người theo học sau đại học (hiện nay, tỷ lệ học sau đại học các ngành này chỉ khoảng 4%). Nhóm chính sách hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu (trước hết là năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm và công cụ phần mềm thực hành, thí nghiệm và mô phỏng). Nhóm chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác đại học-viện nghiên cứu-doanh nghiệp, trong nước và ngoài nước, nhất là với các trường đại học, doanh nghiệp đối tác của Hoa Kỳ (có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam).

PGS, TS Nguyễn Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh, với khối STEM, trường nào có nhiều sự hợp tác với doanh nghiệp là một lợi thế. Về cơ bản, sinh viên sau khi học các môn học trên có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên lý thiết kế của vi mạch, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn thiếu đội ngũ nhân lực và chương trình đào tạo chuyên sâu, cơ sở vật chất chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ. TS Nguyễn Trung Hiếu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, Chính phủ cùng các địa phương cần nghiên cứu tổ chức, phát triển tối thiểu 3 trung tâm công nghệ cao, ưu tiên đầu tư cho thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn tại 3 khu vực Bắc-Trung-Nam.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đang xây dựng kế hoạch hành động toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

THU HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.