Nguồn nhân lực còn đang thiếu

Tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Hợp tác phát triển chíp bán dẫn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước thời gian vừa qua cho thấy cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm này.

Cùng với cơ hội Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy, Việt Nam cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc bởi nguồn nhân lực đang còn thiếu. Theo thống kê từ các Hiệp hội, Việt Nam có khoảng 5.000 kĩ sư hoạt động trong lĩnh vực chíp bán dẫn tại Việt Nam, đây là khâu còn yếu khi mỗi loại chip bán dẫn đều đòi hỏi công nghệ rất cao, do đó cần một lực lượng nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam phải tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được công nghệ lõi trong phát triển chíp bán dẫn.

leftcenterrightdel
Việt Nam sẽ sớm tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chíp bán dẫn. Ảnh: Bộ TT&TT

Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc làm chủ được thiết kế chíp bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất chíp bởi thiết kế chíp chiếm khoảng 50-60% giá trị của sản phẩm chíp. Cùng với sự hợp tác với các nước, Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo chung tại các trường, các viện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chíp bán dẫn.

Giải thích lý do về thiếu nguồn nhân lực, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên bởi ở các nước phát triển, ngành đào tạo này không được nhiều người quan tâm.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, các bạn trẻ tại các nước phát triển muốn học những ngành nghề như tài chính, kinh tế bởi ngành kỹ thuật vốn khô khan, thu nhập lại chưa chắc đã cao hơn các ngành khác. Do đó, số lượng nhân lực bán dẫn ngày một giảm dần, trong khi nhu cầu lại đang tăng lên.

Ông Nguyễn Vinh Quang cũng tiết lộ sẽ sản xuất thêm các loại chip khác trong thời gian tới nhưng chưa thông tin cụ thể. Hiện tại, công ty đang nghiên cứu chip IOT, liên quan ứng dụng smarthome, nông lâm, thủy hải sản, sức khỏe. Tập đoàn FPT cũng nhận nhiệm vụ từ Chính phủ, đào tạo 15.000 kĩ sư trong lĩnh vực bán dẫn. Khoa bán dẫn cũng đã được thành lập tại Đại học FPT, qua đó có được lực lượng tham gia vào lĩnh vực bán dẫn nhiều hơn. Đồng thời xây dựng những chương trình đào tạo đặc biệt để có thể nhanh chóng chuyển dịch lực lượng CNTT sang làm chip, thay vì chỉ tập trung vào chương trình giảng dạy 4 năm tại trường đại học.

Là người đã dành cả thập kỷ làm việc trong lĩnh vực bán dẫn, ông Nguyễn Vinh Quang nhận định về mặt bằng chung, nhân sự kỹ thuật về bán dẫn của Việt Nam không thua kém trên thế giới. Có nhiều người gốc Việt thành công ở mảng bán dẫn vi mạch nổi tiếng. Với khoảng 10.000 nhân sự trong ngành này mà FPT đào tạo, 1/3 sẽ làm việc cho các công ty tại Việt Nam, 2/3 có chương trình riêng tại nước ngoài và có cơ hội ra nước ngoài làm việc.

Cùng với FPT, các sinh viên khóa D20 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ là lứa sinh viên được chọn đăng ký theo học chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch. Theo đại diện Khoa Kỹ thuật Điện tử 1, chương trình đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch của trường sẽ cung cấp cho các sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thiết kế, phát triển và thử nghiệm các mạch tích hợp (IC).

Cụ thể, các sinh viên theo học chuyên ngành thiết kế vi mạch sẽ được học các kiến thức căn bản về cấu kiện và mạch điện tử, các kiến thức về lập trình, vi xử lý. Sau khi học xong các kiến thức cơ sở ngành, sinh viên sẽ được học sâu về sử dụng các ngôn ngữ thiết kế vi mạch VHDL, Verilog, SystemVerilog và các kiến thức về thiết kế vi mạch số, vi mạch tương tự, vi mạch trộn tín hiệu. Sinh viên học chuyên ngành này cũng sẽ có cơ hội để có được kinh nghiệm thực hành trong các công ty công nghệ đối tác của học viện, được thực tập tại các công ty chuyên về thiết kế vi mạch quốc tế.

Nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển chíp bán dẫn

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển chíp bán dẫn và đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến chíp bán dẫn. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét cơ chế hỗ trợ đo kiểm, các phòng thí nghiệm đo lường đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 để đáp ứng nhu cầu đo lường của các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo bán dẫn trong cả nước, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đo lường do phải gửi ra nước ngoài.

leftcenterrightdel
Thiết kế vi mạch đang được đánh giá là một ngành có nhu cầu nhân lực cao, do đó các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo này sẽ có cơ hội làm việc rộng mở. Ảnh: Bộ TT&TT

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến chíp bán dẫn. Bên cạnh đó, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của của các doanh nghiệp lớn trong nước như: Viettel, FPT, CMC… các viện, trường có nghiên cứu liên quan tới vi mạch để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chíp bán dẫn, từ đó tạo ra hệ sinh thái phát triển chíp bán dẫn, nhất là coi trọng khâu thiết kế chíp bán dẫn.

Xác định việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chíp bán dẫn tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.

Tin tưởng rằng cùng với định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với các chính sách khác mà Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm chíp bán dẫn.

VĂN PHONG