Một trong những tiêu chí cơ bản góp phần kiến tạo trường học hạnh phúc là đội ngũ giáo viên, học sinh, cán bộ và nhân viên trường học có thái độ, tấm lòng bao dung, chia sẻ, thấu cảm. Điều đó được nhấn mạnh trong dự thảo bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” đang được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội lấy ý kiến tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Theo đó, bộ tiêu chí gồm 3 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí cụ thể, trong đó “thấu cảm” được thể hiện ở tiêu chí số 4: “Xây dựng những giá trị, thái độ tích cực như: Chính trực, tận tâm, lòng biết ơn, hợp tác, thấu cảm, sáng tạo, tự tin và khuyến khích hành vi tích cực, quản lý được những cảm xúc tiêu cực trong đối thoại tương tác và làm việc với đồng nghiệp, học sinh” (phần “Tiêu chuẩn về con người”) và tiêu chí số 7: “Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt về tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh” (phần “Tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục”).

leftcenterrightdel
 Niềm vui của cô trò Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: KHÁNH HÀ 

Không ngẫu nhiên mà các nhà giáo dục lại quan tâm đến nội dung “thấu cảm” trong bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc. Bởi lẽ, trong bối cảnh xã hội hiện đại, trước tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, thời đại công nghệ số và môi trường thông tin bùng nổ, con người (trong đó có cả giáo viên, học sinh, cán bộ và nhân viên trường học) rất dễ để “cái tôi” của mình lên ngôi, thậm chí lấn lướt, chi phối “cái ta”, từ đó làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên lỏng lẻo, nhạt nhòa hơn. Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, một trong những nguy cơ đáng sợ nhất đối với con người thời nay là sự chai lỳ về cảm xúc, không biết sẻ chia, bao dung với người khác, nhất là những người không cùng quan điểm, sở trường hay có nét tương đồng về tính cách, suy nghĩ với bản thân mình.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà cách nay gần 3 thập niên, UNESCO chính thức tuyên bố ngày 16-11-1995 là Ngày Quốc tế khoan dung với sự tham gia hưởng ứng của 185 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Một trong những ý nghĩa cao cả mà Ngày Quốc tế khoan dung (16-11) hằng năm hướng tới là đánh thức, khơi dậy lòng trắc ẩn và sự thấu cảm của con người, làm cho con người chung sống, ứng xử với nhau chân thành, nhân ái, độ lượng hơn. Khoan dung là tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt mà không làm tổn hại đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức chung của cộng đồng.

Tròn 10 năm về trước (năm 2014), khi triển khai xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, tổ chức UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã khuyến nghị: Muốn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho giáo viên và học sinh, một trong những nguyên tắc các nhà trường cần thực hiện là giáo dục học sinh coi trọng văn hóa khoan dung và văn hóa hợp tác, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt giữa các thành viên trong môi trường văn hóa học đường. Vì văn hóa khoan dung sẽ góp phần làm nên nhân cách tốt đẹp cho thế hệ chủ nhân tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc.

Cách nay 7 năm, đề thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về “Ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống”. Việc các nhà giáo dục ra đề thi về vấn đề thấu cảm cũng không ngoài mục đích nhắc nhở, khuyến nghị học sinh trân trọng thái độ sẻ chia, khoan dung với người khác và cộng đồng. Bởi thấu cảm là khả năng tự tiết chế, kiểm soát lời nói, cử chỉ, hành vi của mình không gây hại đến những người xung quanh; đồng thời biết cảm thông, thấu hiểu nỗi lo, nỗi đau của người khác và kịp thời động viên, tương trợ, giúp đỡ họ với tình cảm tự nhiên, chân thành, vô tư, nghĩa hiệp.

Thời gian qua, vấn nạn bạo lực học đường trở nên nhức nhối và là một trong những thách thức đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Con số 700 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh xảy ra trong vòng hai năm (từ ngày 1-9-2021 đến 5-11-2023) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê và cảnh báo gần đây, phần nào nói lên điều đó.

Vì thế, việc ngành giáo dục Thủ đô đưa nội dung tiêu chí “thấu cảm, thấu hiểu” vào bộ tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” không chỉ là mục tiêu giáo dục cần được hiện thực hóa trong mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo và mỗi học sinh, mà còn là lời cam kết của ngành giáo dục đối với xã hội về một môi trường học đường coi trọng văn hóa ứng xử khoan dung giữa các thành viên trong “ngôi nhà giáo dục”.

ANH DƯƠNG

Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.