Ngày hội hợp ý dân

Sớm tinh mơ, khi núi rừng vẫn chưa thức giấc, em La Thị Nga, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Trung, trú tại xóm Phung Chang (xã Quang Trung) đã lên đường tham dự ngày hội. Trong trang phục thiếu nữ người Mông truyền thống, Nga không ngại đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ để có mặt tại thị trấn Nước Hai. Bao năm qua, nhiều người không lạ với hình ảnh La Thị Nga cùng chiếc đèn pin gắn trên đầu, di chuyển quãng đường dài, băng rừng, vượt những mỏm đá tai mèo để đến lớp học. Điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng Nga vẫn nỗ lực học tập, tích cực tham gia nhiều hoạt động của trường và năm 2023, em đã đoạt giải khuyến khích Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế “Em vẽ Việt Nam-Em vẽ nước Nga”. La Thị Nga tâm sự: “Tại ngày hội, em tham gia phần trình diễn trang phục dân tộc Mông và hỗ trợ các bác, các cô trang trí gian hàng truyền thống. Em rất tự hào khi được đóng góp một chút công sức cho phần thi của xã Quang Trung và giới thiệu nét văn hóa độc đáo của người Mông tới du khách”.

leftcenterrightdel
Một tiết mục biểu diễn khèn Mông độc đáo. 

Quang Trung là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hòa An, nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Đến với ngày hội, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Quang Trung thống nhất chọn chủ đề “sắc xuân vùng cao” để giới thiệu nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của người Mông. Tham quan gian hàng của xã Quang Trung, chúng tôi được tìm hiểu nhiều câu chuyện thú vị về những chiếc gùi, khèn của người Mông; được trải nghiệm xay lúa, giã gạo; thưởng thức các đặc sản như: Mèn mén, bánh ngô, thắng cố, rượu men lá...

Với xã Hồng Nam, phần trình diễn trang phục truyền thống được các thành viên tham dự ngày hội đầu tư tâm huyết và công sức. Trong trang phục thiếu nữ người Dao đỏ, cô Triệu Thị Liên Giang, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồng Nam có phần trình diễn tự tin. 

Có mặt tại sân vận động thị trấn Nước Hai, chúng tôi ghi nhận những tình cảm, trách nhiệm của các đoàn tham dự ngày hội, sự hào hứng, phấn khởi của người dân khi được thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, cùng những phần thi văn hóa-thể thao hấp dẫn. Bà Nông Thị Nguyệt, 65 tuổi, trú tại xóm 2 Bế Triều (thị trấn Nước Hai) phấn khởi nói: “Nghe tin có ngày hội, tôi tạm nghỉ một ngày bán rau để tham dự. Lâu rồi huyện Hòa An mới có ngày hội vui thế này và tôi mong sẽ còn được tham gia nhiều sự kiện tương tự”.

Tôn vinh văn hóa truyền thống các dân tộc

Dù thời gian diễn ra ngày hội gói gọn trong hơn một ngày, song với sự chuẩn bị chu đáo, Ban tổ chức và các đội tham gia thuộc 15 xã, thị trấn của huyện Hòa An mang đến nhiều sắc màu văn hóa, thông qua những phần thi như: Trình diễn nét đẹp trang phục truyền thống và nghệ thuật dân tộc; trưng bày gian hàng; nấu ăn; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, lày cỏ, ném pao vào gùi, tung còn, bịt mắt bắt lợn, sàng gạo, thi giã bánh giầy... Để tăng sức hút cho ngày hội, UBND huyện Hòa An đã phối hợp mời các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng và Nhà hát Chèo Việt Nam đến biểu diễn, phục vụ nhân dân.

leftcenterrightdel
Phần thi trình diễn trang phục truyền thống của xã Hồng Nam. 

Theo ông Lưu Văn Sơn, 64 tuổi, người uy tín của xóm Lũng Phầy, xã Hồng Việt, ngày hội không chỉ là cuộc vui mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, nơi kết nối và lan tỏa sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Hòa An. Đến đây, người dân được vui hội cũng như được “khoe” với du khách những nét độc đáo, thú vị của dân tộc mình. “Từng có thời điểm, một bộ phận người Mông mê muội, đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình mà rời bỏ phong tục tập quán truyền thống. Nhờ quyết liệt đấu tranh, vận động người dân của cấp ủy, chính quyền huyện Hòa An mà hiện nay, tổ chức bất hợp pháp này đã bị đẩy lùi. Thực tế, không chỉ người Mông mà các dân tộc vùng cao tại Hòa An đều có nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Và ngày hội là một điểm nhấn, niềm tự hào để cộng đồng các dân tộc huyện Hòa An cùng chung tay vun đắp, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, ông Lưu Văn Sơn bày tỏ.

Trong không khí phấn khởi của ngày hội và niềm vinh dự khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hòa An đón bằng ghi nhận đền Pú Luông-Giả Cải là di tích lịch sử cấp tỉnh, ông Luân Chiến Công, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hòa An khẳng định: “Ngày hội là dịp để các dân tộc của huyện Hòa An bày tỏ tình cảm, tình yêu với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ vĩ đại; góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết các dân tộc trên địa bàn. Ngày hội là nơi để nhân dân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo khí thế, động lực, niềm tin để xây dựng quê hương Hòa An ngày càng đổi mới, phát triển, giàu đẹp và văn minh”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.