Cơ hội cho giáo dục toàn diện

Từ năm 2025, với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn đã tạo ra 36 tổ hợp môn để học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT. Phương án này giúp kỳ thi nhẹ nhàng hơn khi thí sinh được lựa chọn môn học yêu thích, sở trường để thi tốt nghiệp; đồng thời tư duy dạy và học cũng thay đổi, học sinh thấy được giá trị của các môn học cho cuộc sống và tương lai bản thân, chứ không chỉ học vì mục tiêu thi cử. 

Tuy nhiên, việc thi tốt nghiệp THPT chỉ 2 môn tự chọn khiến nhiều người lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch. Chia sẻ về điều này, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) cho rằng không cần quá lo lắng. Hiện nay học sinh quan tâm nhiều hơn đến tuyển sinh đại học. Xu hướng các trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng bằng bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ngày càng nhiều. Muốn có nhiều cơ hội xét tuyển buộc học sinh phải có kiến thức, năng lực toàn diện. Việc đổi mới dạy học ở các môn không bắt buộc thi là một cơ hội để các trường khẳng định vai trò trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh.

leftcenterrightdel
 Giờ học Giáo dục hướng nghiệp của học sinh Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội).

Những năm qua, điểm thi môn tiếng Anh của học sinh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn đứng ở tốp đầu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Môn học này không chỉ là thế mạnh của học sinh thành phố mà hiện nay nhiều trường đại học cũng rất chú trọng đến trình độ tiếng Anh của thí sinh khi xét tuyển đầu vào. Theo một giáo viên chủ nhiệm lớp 11 của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), tuy không khảo sát chính thức nhưng thăm dò sơ bộ đa số học sinh sẽ chọn môn Tiếng Anh là môn lựa chọn và sẽ cân nhắc môn lựa chọn tiếp theo sau khi các trường đại học công bố phương thức xét tuyển. 

Giảm số môn thi khiến dư luận lo lắng nhiều trường sẽ giảm bớt tiết môn học không thi dẫn tới không thực hiện đủ chương trình. Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho hay: “Mặc dù phương án thi 2+2 chỉ thi 4 môn, nhưng việc xét tốt nghiệp yêu cầu phải có kết quả học tập của tất cả các môn học qua việc đánh giá quá trình, hiện nay tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp và điểm quá trình là 7:3. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng có tăng hay không tỷ lệ điểm quá trình cũng như ngưỡng điểm trung bình của đánh giá quá trình mỗi môn học như điều kiện để được thi tốt nghiệp. 

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao về tính mềm dẻo, tăng sự lựa chọn cho học sinh khi có 2 môn thi lựa chọn trong 8 môn học ở lớp 12, trong đó có cả những môn chưa bao giờ được chọn thi như tin học, công nghệ. Điều này giúp học sinh có lựa chọn sát hơn theo sở trường, định hướng nghề nghiệp và cũng xóa dần tâm lý “môn chính, môn phụ” trong trường phổ thông.

Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trung bình các trường đại học dành khoảng 50-60% chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp. Với phương án thi mới, thí sinh bị hạn chế số lượng tổ hợp xét tuyển hơn. Nhiều giáo viên chia sẻ, chuyện thi tốt nghiệp sẽ không mấy khó khăn vì với lực học từ trung bình trở lên, học sinh có thể đạt kết quả đủ để tốt nghiệp. Tuy nhiên, với 2 môn lựa chọn, số tổ hợp để xét tuyển đại học của mỗi thí sinh sẽ giảm, chỉ có 1 đến 2 tổ hợp trong tay, khả năng thay đổi khối thi khi nộp nguyện vọng sẽ khó hơn. Do đó, khâu hướng nghiệp phải phù hợp, chính xác ngay từ đầu. Môn Trải nghiệm-Hướng nghiệp trong trường phổ thông phải thực chất hơn để học sinh có thể xét tuyển đúng vào ngành nghề mình yêu thích. Thời gian tới các trường đại học sẽ điều chỉnh việc tuyển sinh, nhưng ngay từ lúc này, học sinh phải xác định thật kỹ việc chọn tổ hợp thi vì điều này sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn ngành nghề về sau.

Mặt khác, các trường đại học sẽ đẩy mạnh tuyển sinh bằng các phương thức khác, kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy hoặc các kỳ thi riêng của các đơn vị. Nếu học sinh nào muốn nhiều cơ hội thì phải thi nhiều hơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải để “gánh” nhiều vai như hiện nay.

PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc giảm số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có thể khiến các trường đại học gặp khó khăn trong việc cân đối tổ hợp xét tuyển, bởi số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp tự nhiên truyền thống như A00, B00 có thể giảm.

Với 4 môn thi, số lượng tổ hợp xét tuyển vào đại học từ năm 2025 khả năng sẽ ít và đơn giản hơn, chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng tổ hợp dùng xét tuyển hiện nay, Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong quan niệm về khối thi truyền thống. Theo GS, TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu các trường đại học tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, họ sẽ phải thay đổi cách sắp xếp các tổ hợp.

Bài và ảnh: THU HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.