Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại buổi họp báo công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra chiều 29-11 tại Hà Nội. Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại cuộc họp báo.

Theo đó, thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn từ các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất 3 phương án thi để xin ý kiến rộng rãi gồm các phương án thi 4 môn, 5 môn và 6 môn. Ở cả ba phương án, học sinh đều sẽ thi 2 môn trong số các môn lựa chọn nhưng khác nhau ở số môn thi trong nhóm các môn học bắt buộc. Ở phương án 2, thí sinh sẽ thi 3 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Phương án 3, học sinh sẽ thi 6 môn với 4 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử. 

Theo Quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung thi sẽ bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, bộ quy định kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình.

Nói về lý do lựa chọn phương án thi 4 môn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thông tin, việc chọn phương án thi này và quyết định không đưa môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc không có nghĩa làm giảm đi vai trò của môn học đó. Xét về mặt khoa học, thực tiễn và việc từng bước thay đổi tư duy từ nặng ứng thí sang nền giáo dục dạy thật, học thật, phương án thi 4 môn là phương án thích hợp.

Theo đó, phương án thi này sẽ được thực hiện từ năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Liên quan đến thời điểm công bố bộ đề thi minh họa, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương, nói rằng, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.

Nói về các môn thi tự chọn, Phó cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hà cho biết, với mô hình hiện nay chưa cho phép việc thí sinh chọn nhiều hơn 2 môn lựa chọn. Điều này sẽ gây ra sự trùng lặp, lãng phí và nhiều khó khăn trong việc xét tuyển.

Đối với những học sinh không đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình hiện hành 2006, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói rằng, việc tổ chức thi đều nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của học sinh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nguyên lý của giáo dục là lấy học sinh làm trung tâm. Các cơ quan của bộ sẽ tham mưu, nghiên cứu có thể tổ chức cùng kỳ thi năm 2025 nhưng với 2 chương trình đề thi khác nhau.

Tin, ảnh: TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.