Ngày 14-11, tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn (2 + 2), gồm thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Đây là phương án có ít môn thi nhất trong số 3 phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, phương án thi này không gây ra sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay; tạo điều kiện giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

leftcenterrightdel
Một tiết học của học sinh Trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội 

Phương án này trước đó, nhận được sự đồng thuận của đông đảo giáo viên, học sinh cả nước bởi lí do, càng ít môn thi, sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội; số buổi thi giảm 1 buổi còn 3 buổi gọn nhẹ hơn, giảm áp lực và đỡ tốn kém cho xã hội. 

Là lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, em Nguyễn Tử Phúc, học sinh lớp 11 Trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội sớm đã có định hướng theo học khối tự nhiên. Tử Phúc nhận thấy bản thân có niềm yêu thích đặc biệt và muốn theo học ngành Công nghệ thông tin. Thời điểm hiện tại, việc học tập của nam sinh vẫn diễn ra theo kế hoạch. Song, là lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tử Phúc không khỏi lo lắng, áp lực. 

“Mặc dù năm sau em mới thi tốt nghiệp THPT nhưng em mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án thi để yên tâm học hành hơn. Em ủng hộ phương án 4 môn thi”, Tử Phúc nói. 

Là người trực tiếp giảng dạy, dìu dắt lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Bùi Quang Du, giáo viên Trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng hiện tại, các thầy cô vẫn bám sát chương trình học. Tuy nhiên, cái mới bao giờ cũng gặp những khó khăn, bỡ ngỡ nhất định. Trong đó, việc chưa có phương án thi cụ thể là điều khiến thầy Du lo lắng, băn khoăn.

“Tôi lo sợ chương trình dạy sẽ có sự chênh lệch so với đề án thi tốt nghiệp THPT. Chưa kể, bất cập là hiện nay có nhiều bộ sách, cần có phương án thi để việc ôn tập được thống nhất. Bản thân tôi mong muốn, số môn thi càng ít càng tốt, đỡ gây áp lực cho các em. Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Từ đó, giáo viên, học sinh, phụ huynh có định hướng ôn tập, để có kết quả tốt nhất”, thầy Du bày tỏ mong muốn.  

Cô Tăng Thị Hiền, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh) chia sẻ, việc ôn thi hiện nay gây khó khăn cho cả cô và trò vì đây là năm đầu thực hiện dạy chương trình mới, sách giáo khoa mới và phương án thi tốt nghiệp THPT mới. “Cô trò chúng tôi đều bỡ ngỡ trong quá trình học tập. Xây dựng chương trình ôn tập, tìm kiếm tài liệu, ngân hàng đề thi,… đây đều là những khó khăn mà cô trò chúng tôi gặp phải và đang phải cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ để việc học đạt hiệu quả cao nhất”, cô Hiền chia sẻ. 

Thầy Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, để hỗ trợ tối đa cho lứa học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã thay đổi, cải tiến phương thức kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ theo định hướng phát triển năng lực người học, phù hợp với mục tiêu của chương trình mới. Theo thầy Dương, các em học sinh khối 11 sớm đã nhen nhóm định hướng học tập của riêng mình. Các em cũng đã có thời gian làm quen với kỳ kiểm tra, đánh giá, đồng thời, chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng sau này. Dù vậy, thời điểm hiện tại, tâm lý chung của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên là mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi cụ thể. 

“Khi có phương thức thi cụ thể, các phương thức tuyển sinh của các trường đại học sẽ được ban hành. Học sinh sẽ có định hướng rõ nét, cụ thể hơn. Với các thầy cô, khi học sinh có định hướng, sẽ có phương pháp, định hướng tư vấn. Như vậy, kết quả của các em sau lớp 12 sẽ tốt hơn”, thầy Dương chia sẻ. 

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được xác định với mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Nội dung thi sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Bài, ảnh: CẨM VÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.