Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các sở, ngành, phường, xã, doanh nghiệp du lịch, hiệp hội ngành nghề... Các ý kiến tại hội nghị đối thoại tập trung những nội dung thiết thực trong ngành du lịch như: Thủ tục cấp phép, hỗ trợ tổ chức các chuyến trải nghiệm famtrip, presstrip, liên kết phát triển tuyến du lịch ven biển và đảo, đầu tư cơ sở lưu trú sau sáp nhập địa giới hành chính…

Bên cạnh đó, hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất về việc mở rộng tuyến cao tốc thủy kết nối khu vực Cần Giờ với Côn Đảo, phát triển các điểm dừng chân mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa. Các đại biểu cho rằng, việc đẩy mạnh liên kết vùng, quảng bá điểm đến thông qua các famtrip, presstrip và các chương trình xúc tiến quốc tế sẽ thu hút thêm dòng khách chất lượng cao, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch.

Quang cảnh hội nghị đối thoại. 

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: Việc sáp nhập TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu mở ra cơ hội mở rộng không gian phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng cường liên kết vùng. Thành phố sẽ tái cơ cấu hệ sinh thái du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững; đầu tư hạ tầng giao thông và dịch vụ hỗ trợ để thu hút xã hội hóa và nâng cao kết nối điểm đến. Đồng thời, ngành du lịch phải nâng cao năng lực thích ứng và quản lý để tận dụng tối đa tiềm năng sau sáp nhập.

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục theo dõi, tổng hợp và đề xuất chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển, nhằm tạo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi, bình đẳng và minh bạch. Đồng thời, đơn vị sẽ tổ chức các buổi tọa đàm chuyên sâu, mời chuyên gia đầu ngành phân tích xu hướng, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tin, ảnh: THANH THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.