Mặc dù nằm cách trung tâm TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) khoảng 120km nhưng bản Nà Sự vẫn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Quanh bản có đồi núi bao bọc, phía trước có suối Nậm Bai uốn lượn chảy qua tạo nên khung cảnh thơ mộng. Người dân trong bản chủ yếu là dân tộc Thái trắng (chiếm 95%) sống đoàn kết, yêu thương, gắn bó với nhau, cần cù, chịu khó lao động sản xuất, lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa đặc trưng và đặc biệt, hết sức mến khách.
Thêm vào đó, đường đến Nà Sự tương đối thuận lợi, đồng thời bản cũng là điểm nằm giữa hành trình dài khoảng 280km khám phá A Pa Chải (điểm du lịch nơi cực Tây của Tổ quốc) tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Vì thế, sau hai năm bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vào giữa tháng 10-2022, bản du lịch cộng đồng Nà Sự chính thức đi vào hoạt động đón khách với sự chung tay, giúp sức của hàng nghìn cán bộ và nhân dân huyện Nậm Pồ cùng sự đoàn kết, chung tay của bà con trong bản.
 |
Du khách thưởng thức ẩm thực tại bản du lịch cộng đồng Nà Sự.
|
Để tạo cảnh quan phục vụ du lịch, người dân Nà Sự đã tập trung làm con đường đá trong bản, dựng cầu tre qua suối Nậm Bai, bố trí nhiều bồn hoa cây cảnh, lắp đường điện, làm cọn nước, dọn dẹp vệ sinh... Anh Hoàng Văn Chung, du khách đến từ TP Điện Biên Phủ chia sẻ: “Nơi đây có một số điểm mới đáng chú ý như: Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt hằng ngày đều được làm bằng tre, gỗ vừa bảo đảm an toàn, vừa tạo cảm giác thân thiện với môi trường; con đường rải đá, nhất là vào buổi tối có điện thắp sáng rất đẹp...”.
Khi đến với Nà Sự, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn; tham quan cảnh đẹp xung quanh bản; giao lưu văn hóa, văn nghệ; thưởng thức các món ăn truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Thái mà nguyên liệu chế biến do chính người dân trong bản cung cấp; nghỉ ngơi tại các gia đình trong bản theo hình thức homestay.
Nhằm bảo đảm quyền lợi hài hòa của các thành viên trong cộng đồng, các tổ: Du lịch, truyền thông, hậu cần, văn nghệ... cũng được thành lập. Ngoài ra, các hộ không tham gia vào hoạt động du lịch được định hướng để cung cấp thực phẩm và các sản phẩm dịch vụ du lịch. Mới đây, Nà Sự còn trở thành bản du lịch cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng số hóa toàn diện trong hoạt động du lịch. Theo đó, khách chỉ cần quét mã QR là có đầy đủ thông tin về dịch vụ cũng như những nét văn hóa, phong tục truyền thống của đồng bào bản địa.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, đồng thời là người trực tiếp hỗ trợ chuyển giao mô hình này, cho biết: “Số hóa sẽ giúp cho du khách có điều kiện tìm hiểu nhiều hơn về nơi mình sẽ lựa chọn là điểm đến, tìm hiểu dịch vụ, về bản sắc văn hóa và con người ở đó.
Trong phần mềm số hóa trên còn có mục “hướng dẫn viên ảo” giúp khách được giới thiệu cho từng điểm đến, từng giá trị văn hóa riêng biệt, đồng thời có các trò chơi, tăng sự tương tác, trải nghiệm văn hóa giữa du khách và người dân trong cộng đồng. Đã có nhiều du khách trải nghiệm và vô cùng thích thú về sự tiện lợi này. Bên cạnh đó, chương trình số hóa còn giúp công tác quản trị một cách tổng quan nhất để ban điều hành du lịch cộng đồng của bản dễ cập nhật và quản lý kinh doanh”.
Theo thông tin từ Ban điều hành du lịch cộng đồng bản Nà Sự, sau một năm hoạt động, bản đã thu hút hơn 5.200 lượt du khách trong và ngoài nước. Đây là con số đáng khích lệ, minh chứng cho hiệu quả thực chất của mô hình. Ngay tại buổi kỷ niệm chặng đường đáng nhớ này, Nà Sự cũng đón gần 700 người tham dự, trong đó có nhiều đoàn khách đến từ các địa phương lân cận. Thời gian tới, Nà Sự lên kế hoạch tiếp tục hoàn thiện nhiều hạng mục cảnh quan, đồng thời đẩy mạnh một số trải nghiệm cho du khách như dệt vải truyền thống hay một ngày làm nông nghiệp.
Đồng chí Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa nhấn mạnh: “Thực hiện Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, sau một năm vừa tổ chức hoạt động đón khách, vừa hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng bản làng, có thể khẳng định đây là một hướng đi rất đúng đắn. Chúng tôi đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu để mở rộng mô hình du lịch cộng đồng này ra một số bản trong xã”.
Bài và ảnh: HIẾU TRƯỜNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.