Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người dân tại hầu hết các địa chỉ được chọn để xây dựng làng DTTS ở Quảng Ninh đều rất tích cực trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc mình. Như tại xã Bình Dân, nơi có hơn 90% là người dân tộc Sán Dìu, từ năm 2020, UBND huyện Vân Đồn cũng đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2022”. Đề án với các nội dung cụ thể về văn hóa vật thể giúp người Sán Dìu phát huy tốt bản sắc dân tộc mình như: Bảo tồn các làn điệu soọng cô, trò chơi dân gian, ngữ văn dân gian và tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống, Lễ Cấp sắc, vũ điệu hành quang, dân ca, dân vũ và Lễ hội Đại Phan... Đặc biệt, huyện Vân Đồn đã xây dựng Trung tâm Văn hóa xã kết hợp với Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân trên diện tích gần 800m2 và đã đi vào hoạt động từ năm 2020. Đây là nơi để người Sán Dìu xã Bình Dân phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

leftcenterrightdel
 Đội bóng của chị em phụ nữ dân tộc Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.
leftcenterrightdel
 Đội hát then người Tày biểu diễn tại đình Lục Nà, thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.

Còn làng người Sán Chỉ được xây dựng ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, nơi có 100% người dân tộc Sán Chỉ sinh sống, bà con vẫn giữ tiếng nói, cách ăn mặc cùng hai ngôi nhà chủ yếu làm bằng gỗ, mái ngói âm dương đặc trưng của người Sán Chỉ. Hằng năm vào trung tuần tháng ba âm lịch, tại xã Húc Động đều diễn ra hội hát soóng cọ, đây là lối hát đối giao duyên của người Sán Chỉ, gần giống như người Kinh hát quan họ. Các gia đình đến thăm nhà nhau và hát đối đáp, hỏi thăm về cuộc sống, sức khỏe, hay các đôi trai gái cùng kéo nhau ra bờ suối bìa rừng hát đối với nhau.

Huyện Bình Liêu còn có làng người Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn. Khu vực này có đình Lục Nà là nơi hằng năm diễn ra Lễ hội đình Lục Nà-lễ hội người Tày lớn nhất ở tỉnh Quảng Ninh. Đình Lục Nà được xây dựng vào thời hậu Lê, thờ Thành hoàng làng Hoàng Cần, vị tướng người Tày đã có công đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Lễ hội đình hằng năm diễn ra sau Tết Nguyên đán, ngoài phần lễ, phần hội, còn có nhiều hoạt động đặc sắc, các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, tung còn, bắn nò, hát then-đàn tính người Tày.

Đến với thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, nơi xây dựng làng người Dao, du khách sẽ được thưởng thức các sản vật đặc trưng của địa phương như xôi ngũ sắc, lợn bản, ngan đen, măng rừng, gà đồi nướng củi, cá suối bày trên những chiếc mẹt vừa dân dã mà cũng không kém phần thú vị của người dân tộc Dao. Ở thôn Pò Hèn có xóm họ Đặng mang nét độc đáo riêng với những bức tranh nghệ thuật khắc họa cảnh vật vùng cao, đồi núi, khe suối, cỏ cây hoa lá phủ kín 19 ngôi nhà. Chủ nhân của các ngôi nhà là đồng bào dân tộc Dao và sẵn sàng mời du khách những cốc nước mát nấu từ nhiều loại cây rừng khi ghé thăm ngôi làng của họ.

Với việc đầu tư xây dựng và phát triển các làng DTTS, tỉnh Quảng Ninh mong muốn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần tự lực vươn lên của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó tạo động lực để người dân cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, phát triển kinh tế đa ngành nông nghiệp-du lịch-dịch vụ-thương mại.

Bài và ảnh: CÔNG THÀNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.