Mạnh ai nấy làm, nhỏ lẻ, kém sức hút
Các tỉnh, thành phố của ĐBSCL đều có những tiềm năng du lịch riêng biệt. Cần Thơ nổi bật với chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều; Đồng Tháp có những vườn cây ăn trái bạt ngàn; An Giang sở hữu các giá trị du lịch tâm linh, văn hóa đặc sắc của vùng Thất Sơn và miếu Bà Chúa Xứ. Tuy nhiên, thay vì được liên kết thành một chuỗi hành trình hấp dẫn, các điểm đến này lại hoạt động rời rạc, thiếu tính kết nối.
Phỏng vấn các khách du lịch tại bến Ninh Kiều (Cần Thơ) vào dịp lễ 30-4 và 1-5, chúng tôi nhận thấy có đến 76% du khách cho rằng các điểm đến ở miền Tây “đẹp nhưng giống nhau”, “thiếu sự đổi mới” và “khó tìm thấy trải nghiệm khác biệt giữa các tỉnh”. Chị Lê Minh Trang, một du khách từ Đà Nẵng chia sẻ: “Đi miền Tây vài lần thấy cứ lặp lại: Ghe thuyền, đờn ca, vườn trái cây. Cá nhân tôi thấy rất đẹp, nhưng không có nhiều điểm mới mẻ”.
 |
Hoạt động trải nghiệm, vui chơi dân dã được các bạn trẻ và du khách yêu thích tại khu du lịch sinh thái miền Tây. |
Chị Nguyễn Thị Mai Lan, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: “Tôi đã có chuyến đi thú vị đến Cần Thơ và Vĩnh Long nhưng việc di chuyển giữa các điểm du lịch là một thử thách. Các tuyến đường vẫn còn khá hẹp, trong khi việc kết nối giao thông giữa các tỉnh chưa đồng bộ. Nếu có thể cải thiện giao thông và nâng cấp các cơ sở lưu trú thì chuyến đi của tôi sẽ trọn vẹn hơn nhiều”.
Không chỉ du khách trong nước, khách quốc tế cũng gặp trở ngại. Khi có dịp đến khu du lịch sinh thái miền Tây-Cantho Eco Resort, chúng tôi đã trò chuyện với ông Dan Morgan, một du khách người Australia, ông chia sẻ rằng rất ấn tượng với vẻ đẹp sông nước và sự thân thiện của người miền Tây, nhưng trải nghiệm du lịch bị hạn chế do thiếu thông tin tiếng Anh, quy trình đặt dịch vụ chưa thuận tiện. Ông kỳ vọng địa phương sẽ phát triển du lịch chuyên nghiệp hơn để nâng cao trải nghiệm cho du khách như ông trong những lần tiếp theo.
Ngoài khách du lịch, nhiều tiểu thương và người làm dịch vụ cũng cho rằng việc thiếu liên kết du lịch liên tỉnh ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của người dân địa phương. Tiểu thương tại bến Ninh Kiều như chị Trần Thị Hồng cho rằng khách thường chỉ đến một tỉnh, ít ghé sang nơi khác, khiến việc buôn bán không ổn định. Là nhân viên công ty du lịch tại Cần Thơ, anh Nguyễn Văn Tâm cũng chia sẻ rằng việc xây dựng tour liên tỉnh gặp khó do mỗi nơi có quy định riêng, thiếu cơ chế phối hợp và liên thông dịch vụ.
Hiện nay, du lịch ĐBSCL phát triển khá phân tán, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương. Tình trạng này khiến sản phẩm du lịch thiếu chiều sâu, kém hấp dẫn về trải nghiệm, đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng các tour liên tỉnh do thủ tục phức tạp và thiếu cơ chế phối hợp thống nhất. Hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường thủy, cùng với dịch vụ du lịch thông minh còn nhiều hạn chế, gây trở ngại lớn trong việc mang đến trải nghiệm liền mạch, thuận tiện cho du khách. Vì vậy, việc hoàn thiện hạ tầng đồng bộ và thiết lập cơ chế liên kết vùng hiệu quả là rất cần thiết để du lịch ĐBSCL phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, từ đó tăng sức hút và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
 |
Hoạt động trải nghiệm, vui chơi dân dã được các bạn trẻ và du khách yêu thích tại khu du lịch sinh thái miền Tây. |
Tinh gọn bộ máy: Kỳ vọng mở ra hướng đi mới cho du lịch vùng
Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính của Chính phủ, vùng ĐBSCL đã tiến hành sáp nhập. Sau quá trình tinh giản hiện còn lại 5 tỉnh gồm Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang và 1 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Cần Thơ. Việc sáp nhập các địa phương có quy mô nhỏ giúp tăng cường nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, tinh gọn bộ máy là tiền đề quan trọng để tái tổ chức ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn. Khi giảm đầu mối hành chính, các tỉnh sẽ dễ dàng phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, tạo chuỗi giá trị hấp dẫn hơn.
Việc xác định lại bản đồ hành chính giúp phân vùng thế mạnh rõ ràng: TP Cần Thơ tiếp tục giữ vai trò trung tâm vùng, là hạt nhân phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch cho toàn khu vực, mở rộng thêm sau khi sáp nhập Sóc Trăng và Hậu Giang với thế mạnh du lịch cộng đồng, lễ hội dân gian Khmer và đô thị ven sông hiện đại; tỉnh Cà Mau mới, sau khi nhập Bạc Liêu, tạo dấu ấn riêng với du lịch sinh thái rừng ngập mặn tại Đất Mũi, kết hợp không gian văn hóa đờn ca tài tử và các công trình năng lượng tái tạo ven biển; tỉnh Đồng Tháp mới được hình thành dựa trên sự sáp nhập giữa Tiền Giang và Đồng Tháp, phát huy lợi thế về du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống, trái cây miệt vườn và các điểm đến như Tràm Chim, Sa Đéc; tỉnh An Giang mới trong đó có cả Phú Quốc (sau sáp nhập giữa An Giang và Kiên Giang) nổi bật với phát triển du lịch biển, đảo, đồng thời khai thác hiệu quả du lịch tâm linh và văn hóa. Phân vùng này không chỉ tránh chồng lấn sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch chuyên sâu và bài bản hơn.
Năm 2024, du lịch ĐBSCL đón hơn 52 triệu lượt khách, tăng 15,9% so với năm 2023; trong đó, khách quốc tế đạt hơn 2,8 triệu lượt, tăng 49%. Tổng doanh thu du lịch vượt 62.000 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ nhận định: “Kết quả này cho thấy tiềm năng lớn của du lịch vùng. Tuy nhiên, để bứt phá, các tỉnh cần tiếp tục đầu tư xây dựng sản phẩm đặc trưng, định vị thương hiệu rõ ràng và đổi mới hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh An Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc, cũng cho rằng: “Văn hóa miền Tây có thế mạnh nổi bật, song sản phẩm du lịch hiện nay còn thiếu chiều sâu và phân khúc cao cấp. Do đó, cần phát triển các tour chuyên đề về lịch sử, văn hóa, văn học; đồng thời khai thác tiềm năng sông nước để phát triển du lịch đường sông, du thuyền lưu trú, kéo dài thời gian khách lưu trú và gia tăng chi tiêu”.
Để phát triển du lịch ĐBSCL bền vững, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm như hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường hỗ trợ cộng đồng địa phương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng. Đồng thời, việc xây dựng và tăng cường cơ chế phối hợp liên kết giữa các tỉnh, thành phố thông qua các hội đồng liên kết và hệ thống thông tin chung là yêu cầu thiết yếu để tạo sự thống nhất trong phát triển sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả liên vùng và tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngành du lịch vùng.
Tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ đơn thuần là công tác cắt giảm đầu mối mà còn là chiến lược quan trọng để tổ chức lại bộ máy quản lý du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và đồng bộ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế và thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL, mở ra nhiều cơ hội thu hút du khách trong và ngoài nước. Với lợi thế về thiên nhiên, văn hóa và nguồn nhân lực, cùng sự đổi mới trong quản lý, du lịch ĐBSCL hoàn toàn có thể “cất cánh”, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Bài và ảnh: THANH HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.