Những năm gần đây, khi du lịch phát triển, đã có nhiều ý kiến đưa ra cần đẩy mạnh du lịch đường sông để thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên, phát triển du lịch đường sông ở ĐBSCL vẫn đang còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết ở vùng sông nước đặc trưng này.

Phát triển nhỏ lẻ

5 giờ sáng một ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi đưa đoàn khách từ Hà Nội ra bến Ninh Kiều để thực hiện chuyến du lịch đường sông, thăm thú kênh rạch, vườn trái cây ở vùng ven TP Cần Thơ. Sau khi thuyền ghé đón chúng tôi, nhân viên phát cho mỗi người một chiếc áo phao để di chuyển trên sông Cần Thơ hướng chợ nổi Cái Răng; khách ở nơi xa đến háo hức khi được giới thiệu về lịch sử hình thành của chợ nổi, được bồng bềnh theo sóng nước... Đi được vài ki-lô-mét, trời mờ sáng, cảnh đông đúc khách tham quan chợ nổi tạo ra không khí náo nhiệt, thuyền vòng qua mấy chiếc ghe bán trái cây, ghe bán ăn sáng... rồi tiếp tục di chuyển đến những điểm bán đặc sản địa phương... Điểm nổi tiếng nhất Cần Thơ cũng lướt qua một cách nhanh chóng đến không ngờ!

Tiếp tục di chuyển đến khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, cũng là điểm đến không thể thiếu trong chuyến hành trình tour du lịch đường sông ở TP Cần Thơ. Cách chợ nổi Cái Răng không xa, khu du lịch Mỹ Khánh hiện ra, du khách xuống ghe, lên bờ, mua vé tham quan... Du khách được hướng dẫn đi xem vườn trái cây, con thú, chơi các trò chơi dân gian...

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: QUỐC TRUNG

Cách đó không xa, cũng ở TP Cần Thơ, khu du lịch Cồn Sơn thu hút nhiều du khách lui tới-nơi đây khí hậu ôn hòa, bình yên, mát mẻ và còn khá hoang sơ. Tuy nhiên, vẫn phát triển theo một dạng du lịch sinh thái miệt vườn: Khách lên bờ, men theo lối mòn tham quan vườn trái cây, khu nuôi cá và thưởng thức một số món ăn quen thuộc của miệt vườn sông nước Cửu Long.

Trao đổi với chúng tôi về chuyến du lịch miệt vườn sông nước của gia đình, ông Nguyễn Văn Cương, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội tâm sự: "Cả nhà tôi vừa có chuyến tham quan ở Tiền Giang, Cần Thơ và Cà Mau, chúng tôi thấy các khu du lịch đều na ná như nhau, cũng lên thuyền luồn lách qua các kênh, rạch, rồi tham quan vườn trái cây và ăn những món ăn quen thuộc của người bản địa. Nhiều nơi các sản phẩm du lịch khá giống nhau nên chỉ tạo cảm giác thích thú ban đầu, còn những khu vườn sinh thái khác đều giống nhau nên không còn thu hút được khách du lịch. Chắc cũng chỉ đi một lần cho biết, chưa có ý định quay lại những khu du lịch này".

TP Cần Thơ, trung tâm của vùng ĐBSCL, nơi có khoảng hơn 1.100km sông ngòi chằng chịt, kết nối với nhau, đây là tiềm năng, lợi thế trong giao thương cũng như phát triển du lịch trên sông. Nơi đây cũng có hàng loạt cù lao, cồn trên sông Hậu có thể phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, một đặc trưng của vùng sông nước. Hiện cũng có các tuyến đường thủy từ Cần Thơ đi Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp...

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Huệ, nhà nghiên cứu về du lịch cho rằng: "Cần Thơ có tiềm năng rất lớn về du lịch đường sông, nhưng thời gian qua chưa được đầu tư bài bản và quy hoạch nên vẫn chưa phát huy được lợi thế vốn có của địa phương mình. Thiếu đầu tư bến bãi, phương tiện và các sản phẩm phục vụ du lịch chưa đa dạng...".

Bao giờ du lịch đường sông phát triển?

Câu hỏi này đã đặt lên bàn cân cho chính quyền địa phương các tỉnh trong vùng; các doanh nghiệp đang đợi một chính sách cởi mở, được đầu tư bài bản, quy hoạch chiến lược theo vùng chứ không nhỏ lẻ như hiện có. Tại Tọa đàm “Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TP Hồ Chí Minh-các tỉnh, thành vùng ĐBSCL” mới đây, ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu du lịch xã hội cho biết: "ĐBSCL với 28.000km đường thủy là cơ sở quan trọng để xây dựng, phát triển các tuyến giao thông rộng khắp khu vực. Những nét cơ bản để hình thành tuyến đường sông, đó là: Cần có các cầu cảng, bến bãi, hạ tầng các điểm tham quan; cơ sở vật chất phục vụ đường sông; phương tiện di chuyển; sản phẩm du lịch; nguồn nước, môi trường cảnh quan; hoạt động vui chơi, giải trí.

Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "TP Hồ Chí Minh đang khai thác 60 tuyến du lịch đường thủy trên khắp các tỉnh ĐBSCL, tuy nhiên vẫn chưa phát huy được lợi thế và khách du lịch chưa mặn mà với loại hình du lịch này".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho rằng, hiện chưa có nhiều tuyến du lịch đường sông là do hạ tầng giao thông đường thủy còn kém, gây khó khăn cho việc di chuyển; thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến này đến bến kia không có. Đặc biệt hơn, chưa có quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược cả vùng mà đang trong tình trạng mạnh địa phương nào địa phương nấy làm...

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, muốn phát triển du lịch đường sông cần có chương trình liên kết giữa các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, cần kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Có như vậy, du lịch đường sông ở ĐBSCL mới phát triển trong tương lai.

Bài và ảnh: NGUYỄN BÁ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.