Sức hấp dẫn từ giá trị văn hóa 

Từng có cơ hội trải nghiệm tại nhiều điểm du lịch, nhưng khi nhắc đến bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), chị Phạm Thị Quỳnh, du khách đến từ Hà Nội, vẫn luôn có một tình cảm đặc biệt đối với vùng đất này. Vượt qua những cung đường khúc khuỷu, quanh co từ TP Lai Châu, sau gần một giờ đồng hồ, chị đã có mặt tại bản Sin Suối Hồ. Chị Quỳnh cho biết: “Cảnh sắc thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông ở bản khiến tôi thực sự ấn tượng. Từ những ngôi nhà trệt truyền thống, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ đến những món ăn, trang phục thổ cẩm được làm ra từ bàn tay của đồng bào dân tộc đều rất hấp dẫn, thu hút du khách”. Anh Hảng A Xà, Giám đốc Hợp tác xã Trái tim, huyện Phong Thổ cho biết: “Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã đón từ 15 đến 20 đoàn khách đến tham quan, du lịch, khách đến đông nhất là vào ngày cuối tuần. Bên cạnh những lợi thế về mặt địa lý, khí hậu, bà con còn biết phát huy những nét văn hóa truyền thống độc đáo để du khách có cơ hội trải nghiệm. Những nét văn hóa được khách du lịch quan tâm là trang phục, nghệ thuật may vá, thêu thùa hay những khúc hát giao duyên, các lễ hội và trò chơi truyền thống... Trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng đã mang lại thu nhập khá cho người dân địa phương”.

leftcenterrightdel
  Đồng bào dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ biểu diễn khèn phục vụ du khách.

 

Không chỉ riêng tại Lai Châu, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng. Không ít giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá, nhờ gắn với các sản phẩm du lịch đã được đánh thức và ngày càng phát huy hiệu quả. Như trước đây, mỗi khi nhắc đến Sa Pa (Lào Cai), du khách thường chỉ nghĩ đến cáp treo Fansipan. Tuy nhiên, Sa Pa giờ đây còn có nhiều công trình, sản phẩm du lịch như tàu hỏa leo núi Mường Hoa, thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam với những vườn hoa bốn mùa rực rỡ... Cùng với đó, du khách còn được tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc... 

Văn hóa bản địa là “chìa khóa” phát triển du lịch cộng đồng

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển rất ấn tượng, trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới. Để có được điều này, ngoài cảnh quan thiên nhiên, một điều không thể phủ nhận là sức hấp dẫn đến từ các giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của đồng bào các DTTS. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: “Du lịch cộng đồng đã có sự phát triển tích cực, trong đó có khu vực miền núi phía Bắc, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào các DTTS. Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch cộng đồng, ý thức gìn giữ nét đẹp truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch đẹp của bà con cũng được nâng lên, đóng góp tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Cũng theo ông Phạm Hải Quỳnh, giá trị văn hóa bản địa là “chìa khóa” để phát triển du lịch cộng đồng. Chính vì vậy, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thực hiện cụ thể, huy động sự đóng góp của các chuyên gia chuyên sâu về du lịch cộng đồng trong công tác tư vấn, đào tạo nhân lực, xây dựng cảnh quan bản làng và các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: KIM ANH